Sức lan tỏa từ chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”

Cập nhật ngày: 29/07/2016 14:20:50

ĐTO - Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam, Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn Lộc Trời thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” (BVMT). Sau 5 năm triển khai, chương trình bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.


Nông dân nên ý thức tốt việc bảo vệ môi trường trong sản xuất lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, mỗi năm, toàn tỉnh có diện tích lúa gieo trồng từ 500.000 – 530.000ha. Việc sản xuất thâm canh, gối vụ, đặc biệt có một số vùng sản xuất liên tục không có thời gian cho đất nghỉ, tạo điều kiện cho sâu bệnh lưu tồn và phát triển từ vụ này sang vụ khác, làm tình hình sâu bệnh ngày một phức tạp hơn. Ngoài ra, sự lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ các đối tượng dịch hại cũng là nguyên nhân gây bộc phát dịch hại về sau.

Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chương trình “Cùng nông dân BVMT” được triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều buổi tập huấn, quán triệt cho nông dân hiểu rõ về sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Đến nay, nông dân phần nào hiểu rõ cách sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo an toàn cho người, cây trồng, vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần BVMT. Đồng thời, canh tác lúa theo nguyên tắc “1 phải 5 giảm”, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết và không pha trộn nhiều loại thuốc với nhau khi phun xịt, giảm bộc phát dịch hại cho giai đoạn sau, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Ngoài việc được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nông dân trên địa bàn tỉnh còn áp dụng chương trình “Công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn” để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng,... giảm đáng kể số xử lý nông dược, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Đến thời điểm hiện tại, chương trình đã hình thành 25 mô hình với hơn 430 hộ tham gia. Tổng diện tích của các mô hình đến nay đạt hơn 680ha. Từ việc giảm phân bón và thuốc BVTV, lợi nhuận tăng thêm trung bình khoảng 5,31 triệu đồng/ha (đông xuân), 3,55 triệu đồng/ha (hè thu) và 1,38 triệu đồng/ha (thu đông).

Ông Nguyễn Văn Anh Tông ngụ ấp 1, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng cho biết: “Chương trình cùng nông dân BVMT giúp nông dân hiểu rõ lợi ích từ việc sử dụng thuốc BVTV theo quy trình quản lý dịch hại, hạn chế vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, góp phần tích cực BVMT, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Quan trọng hơn hết, chương trình này còn giúp gia đình giảm giá thành đầu vào, nâng cao lợi nhuận trong sản xuất”.

Nhận định về tầm quan trọng của chương trình, ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Trong giai đoạn tới, Tập đoàn Lộc Trời sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chú trọng đẩy mạnh các hoạt động BVMT và mở rộng qui mô hơn nữa để góp phần tạo nền tảng vững chắc phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai”.

Tiến sĩ Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đánh giá cao vai trò và kết quả mà chương trình đạt được. TS Võ Mai cho rằng: “Trong thời gian tới, chương trình cùng nông dân BVMT cần mở rộng thêm các mô hình trên rau và cây ăn trái, dù khó khăn thì cũng phải thực hiện. Hội Làm vườn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ về nhân lực để thực hiện nhân rộng chương trình”.

Là một người rất tâm đắc với chương trình, Thạc sĩ Lê Quốc Cường – Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: “Điểm nhấn của chương trình cùng nông dân BVMT là góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sử dụng đúng quy cách thuốc BVTV cũng như phân bón và công tác BVMT. Điều này còn phù hợp với các địa phương trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, các ngành liên quan nên nhân rộng mô hình này trong khu vực để mọi nông dân cùng tham gia BVMT. Đây chính là giải pháp để tăng năng suất cũng như phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn