Tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ hè thu và thu đông
Cập nhật ngày: 31/07/2021 13:22:21
ĐTO - UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ hè thu và thu đông 2021.
Nông dân chăm sóc cây trồng (ảnh tư liệu)
heo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) theo dõi sát diễn biến tình hình sinh vật gây hại và tiến độ xuống giống vụ hè thu, thu đông năm 2021 nhằm chủ động phòng, chống rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá… trên cây lúa. Tăng cường chỉ đạo phòng, chống sâu đục quả cây có múi; sâu keo mùa thu hại bắp; bọ cánh cứng hại dừa và các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng khác. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (theo IPM) trên các loại cây trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng.
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương đến trung ương theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra “dịch chống dịch”. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành để kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch Covid-19 nhằm tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn. Kịp thời đề xuất chính sách đặc thù nhằm khẩn trương vận chuyển hàng hóa về các điểm bán hàng.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tránh tình trạng lợi dụng dịch Covid-19 để tăng giá. Đồng thời thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định. Phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, trực tiếp thăm đồng để nắm tình hình sản xuất, sâu bệnh, tình hình thu hoạch, thống kê sản lượng nông sản để hỗ trợ kết nối tiêu thụ và thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ sản xuất cây trồng. Nếu gặp các trường hợp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ nông sản cần có hướng dẫn kịp thời hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản đang vào thu hoạch rộ.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố cần hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất... tổ chức các Tổ dịch vụ hỗ trợ “làm thay” như thăm đồng, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch thay cho các hộ nông dân xâm canh do làm ruộng, vườn xa nhà nhưng không có người trực tiếp làm thay nhằm hạn chế đi lại để kiểm soát dịch Covid-19...
TRANG HUỲNH