Tăng cường công tác quản lý giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm

Cập nhật ngày: 15/01/2016 12:27:45

Tết Nguyên đán là thời điểm mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của thị trường tăng đột biến. Để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay từ những tháng cuối năm, ngành thú y thực hiện nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý giết mổ và vận chuyển gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh.


Cán bộ thú y kiểm tra gia súc trước khi cho giết mổ

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt không để bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch bệnh cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng trên gia súc...

Trong năm 2015, ngành thú y đã tổ chức tiêm phòng được 19.400 liều tụ huyết trùng trâu bò, gần 157.600 liều tụ huyết trùng heo, 176.400 liều dịch tả heo; 34.400 liều lở mồm long móng cho đàn gia súc. Ngoài ra, đã tiêm trên 6,5 triệu liều cúm gia cầm cho đàn vịt và gà của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật được tiến hành thường xuyên, đặc biệt là động vật và sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh. Chính nhờ công tác quản lý dịch bệnh được thực hiện thường xuyên nên tình hình dịch bệnh trong năm 2015 giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Trong năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm có xu hướng phát triển tốt do dịch bệnh được khống chế, giá bán các sản phẩm gia súc, gia cầm có chiều hướng tăng đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi tập trung mở rộng quy mô, tái đàn trở lại.

Tuy nhiên cũng theo Chi cục Thú y, một trong những khó khăn mà ngành thú y tỉnh phải đối mặt trong năm qua là việc kiểm soát tình hình bơm nước vào heo trước và sau khi giết mổ. Theo ghi nhận của ngành, thời gian qua tình trạng bơm nước vào heo để tăng trọng lượng xảy ra thường xuyên ở hai địa phương là huyện Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, hành vi gian lận thương mại đối với mặt hàng này ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.

Theo ghi nhận của Chi cục Thú y, trung bình mỗi ngày các lò mổ ở hai khu vực này có thể thực hiện giết mổ từ 300 - 400 con heo các loại. Sản phẩm thịt heo sau khi giết mổ sẽ được tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn huyện Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh và huyện Lấp Vò. Đây cũng là vấn đề gây bứt xúc trong dư luận và lo ngại đối với người tiêu dùng trong thời gian qua.

Ông Võ Trọng Phước - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra nhắc nhở và áp dụng hình thức xử phạt đối cơ sở, lò mổ vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng bơm nước ở heo vẫn còn tiếp diễn. Do đó, trong khoảng thời gian cao điểm (tháng 12/2015 và tháng 1/2016), Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; thực hiện triển khai kiểm tra, xử lý việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc trên địa bàn huyện Cao Lãnh và Lấp Vò”.

Trong năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra trên 200 lần và xử lý vi phạm hành chính 33 trường hợp với tổng số tiền là 182 triệu đồng.

Ông Phước cho biết thêm, để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn ra thị trường, ngành thú y tỉnh đang siết chặt công tác kiểm tra, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại những cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Võ Trọng Phước khuyến cáo, về phía người tiêu dùng cần lưu ý, khi mua sản phẩm động vật nên chọn mua tại những quầy hàng uy tín và sản phẩm có dấu kiểm dịch theo quy định của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y sẽ tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm mới nhập đàn; tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra. Ngành sẽ tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ nay đến Tết Nguyên đán.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn