Tập trung củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể theo chiều sâu

Cập nhật ngày: 08/09/2019 08:38:33

ĐTO - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT)”, một trong những kết quả quan trọng đạt được của tỉnh là nâng cao nhận thức, vai trò của hệ thống chính trị đối với sự phát triển của KTTT gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà.


Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Hợp tác xã giống Định An (giữa) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.Ảnh: Mỹ Nhân

Khu vực KTTT của tỉnh nhà có sự chuyển biến tích cực

Tại Đồng Tháp, những năm qua, qua triển khai, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, Chương trình hành động số 29-CTr/TU, có trên 14.000 lượt đảng viên và trên 18.200 lượt quần chúng tham gia. Các cấp ủy đều thành lập Ban chỉ đạo phát triển KTTT để giúp theo dõi việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết về phát triển KTTT và thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Đồng thời, tỉnh đã xác định việc phát triển KTTT, HTX vẫn là nòng cốt, phát triển KTTT phải gắn với chương trình xây dựng NTM và các chương trình phát triển KT-XH khác của địa phương.

Liên minh HTX tỉnh trong thời gian qua từng bước phát huy vai trò là tổ chức đại diện HTX, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong phát triển KTTT, thông qua các chương trình phối hợp hàng năm được tăng cường. Về phát triển tổ hợp tác (THT), toàn tỉnh hiện có hơn 1.100 THT, giảm 46,8% so với năm 2003 với trên 50.000 thành viên, vốn hoạt động khoảng 83,8 tỷ đồng.

Các THT hoạt động đa dạng về ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 88,7%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 5,7%; xây dựng, tín dụng, thương mại, vận tải và lĩnh vực khác chiếm 2,26%. Hầu hết các THT đều tạo được mối liên kết giữa các tổ viên trong việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm đầu mối chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất thực hiện các mô hình trình diễn, mô hình sản xuất an toàn, mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Là tiền đề vững chắc thành lập HTX, xây dựng chuỗi liên kết bền vững.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, toàn tỉnh đã thành lập mới 232 HTX, đến nay, toàn tỉnh có 204 HTX, tăng 26,7% so với năm 2003. Tổng số thành viên của HTX trên 53.000 thành viên, vốn điều lệ trên 375 tỷ đồng, vốn hoạt động gần 1.179 tỷ đồng. Trong đó, toàn tỉnh có 169 HTX nông nghiệp, tăng 20,71% so với năm 2003; lĩnh vực tín dụng có 17 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), chiếm 9%, có tổng số trên 22.100 thành viên, vốn điều lệ gần 20 tỷ đồng, vốn hoạt động gần 625 tỷ đồng; lĩnh vực vận tải có 11 HTX đang hoạt động, chiếm 6%, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, toàn tỉnh có 3 HTX đang hoạt động và lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 2 HTX đang hoạt động, chiếm 1%.

Điểm nổi bật là phần lớn các HTX nông nghiệp đã chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh; mở rộng thêm nhiều dịch vụ để phục vụ thành viên; các HTX bước đầu có mối liên kết hợp tác với nhau trong tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp (DN) nhằm cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên.

Ở lĩnh vực tín dụng, trong những năm qua, từ nguồn vốn của QTDND Tân Thuận Đông đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên địa bàn hoạt động. Đồng thời, từ nguồn vốn QTDND Tân Thuận Đông đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi bên ngoài và hạn chế tệ nạn xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ghi dấu ấn trong quá trình xây dựng NTM và TCCNN

Trong những năm qua, HTX đã có tác động rất lớn đến quá trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Điều này thể hiện rõ dưới những góc độ như: HTX phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hợp lý.

HTX bên cạnh đáp ứng các khâu dịch vụ cơ bản cho thành viên, từ nguồn tích lũy, các HTX cùng với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng như làm cầu, đường giao thông, kênh mương thủy lợi... Nhiều HTX đầu tư hệ thống đèn điện chiếu sáng công cộng góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn thêm khang trang, ổn định trật tự chính trị, xã hội trên địa bàn. HTX có vai trò chủ yếu trong phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết giữa người nông dân và DN, hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Một số mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới; sản xuất gắn với chuỗi giá trị phải kể đến là HTX nông nghiệp Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình; HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò. Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả 2 đơn vị này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm chi phí và tăng thêm thu nhập. Song song đó, HTX còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua các DN, qua đó đã mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX. Về liên kết sản xuất lúa với DN, ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình chia sẻ: “Từ năm 2018, HTX nông nghiệp Tân Bình thực hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm với các công ty, DN trên địa bàn tỉnh. Qua 2 năm thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ trong sản xuất tại HTX Tân Bình đạt kết quả, mặc dù việc phát triển còn chậm nhưng bền vững. Điều đáng mừng là hai bên không xảy ra vi phạm hợp đồng, mọi thắc mắc phát sinh đều được bàn bạc tháo gỡ đi đến thống nhất...”.

Một số mô hình nổi bật khác phải kể đến là HTX Xoài Mỹ Xương với mô hình “Cây xoài nhà tôi”; mô hình canh tác lúa thông minh do HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers... Đáng chú ý còn có HTX giống Định An đã nghiên cứu, lai tạo và cho ra đời nhiều giống lúa đặc sản, chất lượng cung cấp cho thị trường. Riêng cá nhân Giám đốc HTX, ông Nguyễn Anh Dũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ nhất năm 2018.

Mô hình Hội quán là một trong những điểm sáng nổi bật của tỉnh nhà trong những năm gần đây. Đến nay, hầu hết các Hội quán ra đời đều gắn liền với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Hoạt động của Hội quán bước đầu hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Hiện trên địa bàn tỉnh có 13 HTX được thành lập từ mô hình Hội quán. Đây cũng chính là mô hình được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương là một trong những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua. Đặc biệt là địa phương đi đầu trong thực hiện TCCNN, trong thực hiện chuỗi liên kết.

Trao đổi về liên kết tiêu thụ lúa giữa DN với các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, khi thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao giá trị hạt gạo, phía DN có được vùng nguyên liệu với chất lượng ổn định. Qua đó, có điều kiện tiếp cận vào các thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao, đồng thời xây dựng nhãn hiệu gạo để phát triển kênh phân phối thị trường gạo nội địa cũng như xuất khẩu. Về phía HTX và bà con nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học nhằm tiết kiệm được vật tư và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả. Đặc biệt, thông qua việc liên kết, DN cũng góp phần định hướng cho HTX và bà con nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

15 năm qua, từ những kết quả đạt được so với mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết đề ra, khu vực KTTT có sự chuyển biến tích cực, các loại hình KTTT phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành, nghề; khắc phục một phần tình trạng yếu kém, số HTX có lãi tăng, yếu kém giảm... Vai trò, vị trí của KTTT được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể từ 0,6% vào năm 2010 đã tăng lên 1,23% vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng là 17% giai đoạn 2010 - 2017.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như KTTT của tỉnh có bước phát triển nhưng còn chậm và chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, tỷ trọng trong GRDP thấp. Năng lực nội tại các HTX còn hạn chế, đội ngũ quản lý HTX chưa được đào tạo tốt, chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, lòng nhiệt tình và tâm huyết đối với HTX; khả năng cạnh tranh kém, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, khó tiếp cận, các văn bản hướng dẫn kèm theo chậm được ban hành; thủ tục thực hiện còn rườm rà, thiếu vốn thực hiện, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các HTX.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT” vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan - Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh phát biểu chỉ đạo, nhiệm vụ của cấp ủy, của chính quyền địa phương là cần có trách nhiệm lắng nghe, đánh giá tình hình hoạt động của các HTX để từ đó có sự đề xuất, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương, đơn vị nhất định phải quán triệt lại vấn đề nhận thức về KTTT, HTX. Bởi nếu muốn phối hợp thực hiện tốt công tác đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT thì phải hiểu rõ giá trị, bản chất HTX cũng như ý nghĩa, triết lý, tư tưởng của HTX...

Cũng tại hội nghị này, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới. Cụ thể là, xây dựng và phát triển KTTT, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế. Tập trung củng cố, đổi mới, phát triển KTTT theo chiều sâu, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động. Xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phấn đấu có khoảng 1.230 THT và 254 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có 40 HTX ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2030, tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phấn đấu có khoảng 1.352 THT và 289 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có 60 HTX ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là tiếp tục tuyên truyền các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KTTT, HTX và Luật HTX năm 2012. Đối với cán bộ quản lý nhà nước về KTTT, HTX, cần nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật HTX, cơ chế chính sách. Đối với cán bộ quản lý HTX, cần tập trung vào kiến thức, kỹ năng về lập phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; kỹ năng về quản trị DN, quản trị HTX; thông tin về thị trường, kinh nghiệm về xây dựng các phương án, hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị; đối với người nông dân, tuyên truyền làm rõ tính tất yếu phải tham gia HTX.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn