Thời điểm thu mua lúa gạo tạm trữ phụ thuộc vào giá cả thị trường so với giá định hướng

Cập nhật ngày: 12/08/2016 13:39:08

ĐTO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp về việc xem xét lại việc thu mua tạm trữ cho phù hợp với điều kiện vụ mùa của từng vùng, đồng thời quy định giá sàn trong thu mua tạm trữ và giá xuất khẩu nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân.

 Cụ thể, theo Nghị định số 109 ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng. Đây không phải chính sách bao tiêu sản phẩm hay hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là biện pháp kích cầu, thông qua đó để ngăn chặn sự suy giảm và duy trì ổn định giá lúa gạo trên thị trường, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa.

Điều 14 Nghị định số 109 nêu trên quy định: “Trường hợp giá thóc hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá thóc định hướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp Hội Lương thực Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá thóc định hướng đồng thời bảo đảm hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả. Vì vậy, thời điểm mua tạm trữ không căn cứ vào thời điểm thu hoạch lúa của từng địa phương mà phụ thuộc vào giá cả thị trường thóc, gạo so với giá định hướng. Thực tế các đợt tạm trữ vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá lúa gạo trên thị trường đều tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ, qua đó đã nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa.

Về kiến nghị quy định giá sàn trong thu mua tạm trữ và giá sàn xuất khẩu, theo quy định của pháp luật về giá, Chính phủ không quy định mức giá cụ thể, giá sàn, giá trần đối với sản phẩm lúa (thóc) do nông dân sản xuất; giá lúa, gạo thực hiện theo cơ chế thị trường và chịu sự chi phối của quan hệ cung cầu, do người mua, người bán thỏa thuận. Điều này phù hợp và đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, khi cần thiết Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá, có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ về điều hòa cung cầu, bình ổn giá đầu vào, khuyến nông, thuế, phí... nhằm góp phần giúp người sản xuất lúa giảm giá thành sản xuất, tăng mức lợi nhuận đảm bảo ổn định và tái sản xuất.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn