Thương mại điện tử - Cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp vươn mình ra biển lớn

Cập nhật ngày: 21/10/2018 16:02:31

ĐTO - Hiện nay với tốc độ phủ sóng khá nhanh của internet, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một xu hướng tất yếu của cuộc sống hiện đại. Xu hướng này không những trở thành “mỏ vàng” đối với những doanh nghiệp (DN) bán lẻ mà đây còn là cơ hội để các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp mở rộng thị trường, vươn mình ra biển lớn.


Xây dựng một website có giao diện bắt mắt, thông tin về doanh nghiệp thể hiện là cầu nối giúp người tiêu dùng kết nối tốt hơn với doanh nghiệp

Rộng đường cho doanh nghiệp

Với sự bùng nổ của nền kinh tế số, TMĐT đã và đang tạo ra cơ hội lớn để DN phát triển kinh doanh. Thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng... Đặc biệt, khoảng cách về địa lý trong kinh doanh sẽ không còn là rào cản để DN hội nhập.

Nhận định về những cơ hội mà TMĐT mang lại cho DN, ông Đặng Quý Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thực phẩm Thuận Thiên Thành, huyện Lai Vung chia sẻ: “Mặc dù mới tiếp cận với kinh doanh trực tuyến chưa lâu nhưng tôi nhận thấy đây là xu thế mà DN khởi nghiệp cần phải nắm bắt và khai thác triệt để. Hiện tại, doanh thu từ bán hàng trực tuyến của đơn vị chiếm gần 20% trong tổng doanh số. Trong 5 năm tới, tôi nghĩ doanh số từ bán hàng trực tuyến sẽ có nhiều khả năng đạt 50% trong tổng doanh thu của DN”. Được biết, hiện tại nhiều sản phẩm chế biến từ mãng cầu xiêm của DN cũng đã có mặt trên các sàn thương mại lớn của Việt Nam như: Lazada, Sendo, DN cũng đang chuẩn bị một số thủ tục để đưa sản phẩm lên trang Amazon.

Là DN trẻ và khá nhạy bén trong việc tận dụng sức mạnh TMĐT, thời gian qua, Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp, TX.Hồng Ngự đã có nhiều chiến lược phù hợp và bán hàng hiệu quả trên nhiều kênh bán hàng trực tuyến. Hiện tổng doanh thu từ kênh online của DN này đã chiếm trên 40% trong tổng doanh thu. DN này cho biết, thị phần từ bán hàng trực tuyến còn rất lớn, thời gian tới, DN sẽ tiếp tục tập trung xây dựng chiến lược để khai thác và phát triển thị phần từ kênh này.

Theo nhận định của nhiều DN, việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của TMĐT thông qua các sàn giao dịch lớn cũng là cách tốt giúp cho DN vừa và nhỏ thúc đẩy doanh số bán hàng và gây dựng thương hiệu. Thông qua việc liên kết và hợp tác với “các ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT, các DN khởi nghiệp sẽ có cơ hội cọ sát hơn với thị trường. Từ đó, việc sản xuất và kinh doanh sẽ chuyên nghiệp hơn. Với thói quen tiêu dùng đang ngày càng thay đổi theo khuynh hướng hiện đại thì việc phát triển thị phần trên nền tảng TMĐT là hướng đi tất yếu mà các DN cần hướng tới.

Để kinh doanh hiệu quả trên “vùng đất mới”

Để phát triển thị trường trên nền tảng thương mại số không phải là chuyện đơn giản đối với nhiều DN. Theo kinh nghiệm của một số DN đã “ăn nên làm ra” với thị trường kinh doanh trực tuyến, yếu tố quan trọng nhất khi DN muốn mở rộng kinh doanh online là phải xây một “ngôi nhà” trên “vùng đất” TMĐT (xây dựng website). Xây dựng trang website có giao diện đẹp, các thông tin về sản phẩm và DN được thể hiện rõ ràng, cuốn hút sẽ đóng vai trò then chốt giúp khách hàng kết nối được với DN.

Khi đã có một “show room” đẹp trên “vùng đất số”, việc tiếp theo là cần có chiến lược PR hiệu quả cho sản phẩm và dịch vụ của DN đang cung cấp. Hiện tại, mạng xã hội là một trong những giải pháp ưu việt được nhiều DN chọn lựa.

Chị Nguyễn Thị Cát Thủy - chủ Cơ sở mứt chuối phồng Tư Bông, huyện Lai Vung chia sẻ: “Khi quảng bá hình ảnh sản phẩm trên các trang mạng xã hội, DN phải hiểu rõ về sản phẩm của mình và đối tượng khách hàng tiềm năng mà đơn vị muốn hướng tới, để từ đó có những chiến lược tiếp thị phù hợp”.

 Ví dụ sản phẩm mứt chuối phồng của Cơ sở Tư Bông là một sản phẩm đặc thù mang tính truyền thống. Vì vậy, chiến lược trong xây dựng thương hiệu trên các trang mạng xã hội của Cơ sở Tư Bông là những bài viết, hình ảnh chân quê, bình dị gợi nhớ về quê hương. Như thế khách hàng sẽ có cảm giác thân quen, gần gũi và dễ chấp nhận sản phẩm của mình.

Khác với trải nghiệm khi mua hàng ngoài thực tế là người tiêu dùng được tự mình cầm, nắm và tương tác với sản phẩm, mua hàng online người mua chỉ có thể tiếp cận sản phẩm thông qua các hình ảnh, video mà DN cung cấp. Do đó để giúp người tiêu dùng có được sự trải nghiệm chân thực nhất về sản phẩm thì việc chọn lựa, đăng tải hình ảnh về sản phẩm, thông tin về nguồn gốc sản phẩm phải thật rõ ràng thì khách hàng sẽ dễ dàng tiếp nhận, tin tưởng hơn về sản phẩm.

Bên cạnh mặt thuận lợi thì TMĐT cũng được DN ví von là “con dao hai lưỡi” cần phải thận trọng. Khủng hoảng truyền thông là một trong những mối nguy rình rập đối với DN, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển “vũ bão” như hiện nay. Làm thế nào để xử lý khủng hoảng tốt nhất giúp củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, điều này không phải DN nào cũng có thể ứng phó tốt.

Về vấn đề này, ông Ngô Chí Công - Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Khởi Minh Thành Công, TP.Cao Lãnh chia sẻ, xử lý khủng hoảng thông tin trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay thì DN cần có kỹ năng. Khi khủng hoảng xảy ra, DN nên hết sức bình tĩnh và tiếp thu thông tin phản hồi từ khách hàng một cách cầu thị và có chọn lọc. DN đừng hi vọng vào sự bao dung của công chúng dành cho mình mà phải xây dựng được lòng tin và sự gắn kết với khách hàng thì mới có thể phát triển bền lâu.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, một trong những vấn đề cốt lõi để DN tồn tại bền vững khi kinh doanh đó là phải cam kết chân thật với khách hàng về chất lượng của sảm phẩm, nguồn gốc hàng hóa phải có xuất xứ rõ ràng, hình ảnh và chất lượng sản phẩm phải đúng với sự trải nghiệm của người tiêu dùng khi mua sắm online. Song song đó, việc lựa chọn đối tác vận chuyển, giao hàng uy tín cũng là vấn đề quan trọng mà DN cần quan tâm khi kinh doanh online.

Để có thể đi xa hơn và phát triển bền vững trong nền kinh tế, số DN khởi nghiệp cần phải thay đổi cách tiếp cận thị trường. TMĐT là cơ hội mà DN cần nắm bắt, khai thác hiệu quả để sản phẩm của quê hương Đồng Tháp có thể phát triển xa hơn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn