Tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững

Cập nhật ngày: 05/08/2021 18:04:12

ĐTO - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất khó chủ động về thị trường đầu ra cho nông sản, thủy hải sản nên nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư, thay đổi theo cách riêng của mình. Dù cá nhân đơn lẻ, cơ sở sản xuất hay DN có xưởng nhỏ lớn đến đâu cũng phải chủ động hơn, đương đầu với dịch bằng sự sáng tạo để tự cứu lấy mình.


Các sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp được giới thiệu tại Mekong Connect 2020

Cải tiến chất lượng, tăng tính hiệu quả và tính cạnh tranh

“Mỗi bó rau 200g, họ bán 10 baht (tương đương 7.000 đồng Việt Nam), dù giàu hay nghèo đều có thể mua được. Ở đây, người ta rất chú trọng tới sức khỏe và các trang trại luôn cố giữ hình ảnh của mình”, chị Huỳnh Thị Thúy Hạnh, quê ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, hiện đang làm việc tại Viện Mekong (Thái Lan) cho biết, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng giá cả nông sản vẫn được giữ ổn định. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ nông dân tăng sản lượng, cải tiến chất lượng, tăng tính hiệu quả và tính cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hợp tác với DN. Các DN, siêu thị cùng tham gia chương trình này, vì họ xem đây là công việc chung. Từ DN cung cấp vật tư, nông dân sản xuất, thu mua, vận chuyển, cho đến siêu thị bán lẻ đều là những mắt xích quan trọng.

Ông Montree Tanaree - chủ trang trại Suan Salad Chandao (thuộc tỉnh Khon Kaen, Thái Lan) có trang trại với diện tích 1,1ha, trồng hơn 20 loại rau ăn lá, rau củ quả... đã được cấp chứng nhận GAP và 1ha chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho biết, mỗi ngày, trang trại của ông cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn cà chua, đậu đũa, bắp cải, rau dền, đậu bắp, hành, ngò... và hơn 500kg thịt bò, gà.

Theo ông Montree Tanaree, ở Khon Kaen, diện tích trung bình của mỗi nông hộ là gần 1ha. Với quy trình canh tác hiện đại và an toàn, họ có thể trở thành nhà cung cấp rau sạch cho các siêu thị lớn như: Tesco Lotus, Top Market, các chợ truyền thống và cả chợ sinh viên ở Khon Kaen. Thái Lan, giống Việt Nam, đang phải vất vả đối phó dịch Covid-19 lúc này. Chính vì thế, anh Montree Tanaree suy nghĩ thay đổi cách bán hàng khi đầu ra, các đường vận chuyển bị đứt gãy. Mất hơn 1,5 năm, trang trại Suan Salad Chandao có khoảng 60 người đăng ký nhận các hộp thịt với các món rau hỗn hợp mỗi tuần. Dịch vụ đăng ký này được gọi là “Nông nghiệp được hỗ trợ bởi cộng đồng”, nơi mọi người mua sản phẩm trong vụ thu hoạch dự kiến của trang trại và nhận giao hàng thường xuyên. Montree Tanaree cho biết, doanh số bán hàng đã tăng vào năm 2020, tăng 20% và 7 tháng đầu năm 2021 là gần 40% bất chấp dịch Covid-19 vì sự gia tăng khách hàng ở loại hình dịch vụ này.


Thu hoạch đậu đũa GAP ở Thái Lan

Tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững

Đồng quan điểm với chị Huỳnh Thị Thúy Hạnh hiện đang làm việc tại Viện Mekong (Thái Lan), về tầm quan trọng của những mắt xích quan trọng từ DN cung cấp vật tư, nông dân sản xuất, thu mua, vận chuyển, cho đến siêu thị bán lẻ..., chị Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp cho biết, Hợp tác xã tham gia hỗ trợ tiêu thụ được cho nông dân hơn 140 tấn khoai lang tím trong đợt ùn ứ khoai lang hơn một tháng trước. Câu chuyện giải cứu mà làm hoài sẽ không hiệu nghiệm, về lâu dài phải nghĩ tới chuyện chế biến sâu hơn để ổn định đầu ra cho bà con. Làm bột, làm bánh, làm nước uống dinh dưỡng... Bản thân chị Thủy ráp mối với một đối tác ở Hàn Quốc, đã gởi mẫu cho họ xem thử và họ đã đồng ý mua dây khoai lang làm kim chi – giá 10.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán củ. Cách này sẽ giúp bà con an tâm hơn về đầu ra.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) tiểu thương bán trái cây ở cặp Quốc lộ 54 chia sẻ, từ ngày dịch bùng phát trở lại, cả ngày ngồi đợi dài cổ mà chỉ có vài chiếc xe, mối lái cũng lặn đâu mất tiêu. “Mấy chị em tui có chồng về Hậu Giang, Vĩnh Long cũng theo nghề bán trái cây nhiều năm nay, mấy bả cũng đang rầu thúi ruột”, chị Thảo nói như lời báo hiệu “chung một đường - kẻ trước người sau”. Hỏi thăm chị có suy nghĩ cách gì để cứu vãn hay đành chấp nhận bỏ cuộc? Chị nói, mình sắp chuyển qua “dịch vụ” bán nước ép trái cây. Rất nhiều người ở vùng cây trái sum suê này, kể cả người thành thị chưa có thói quen uống nước ép trái cây mỗi ngày. Thế nhưng, khi vào các nhà máy lớn, được phủ thêm lớp áo mới thì sản phẩm nước ép này đã được gia tăng rất lớn về mặt giá trị.

Ở Lai Vung, Đồng Tháp có chị Nguyễn Thị Xuân Phương đang kết nối với đối tác mở xưởng sơ chế, đóng gói trái cây từ sản phẩm tươi cho tới cấp đông, sấy. Theo chị Phương, đại dịch bùng phát, ngành nào, lĩnh vực nào cũng chịu tác động. Mùa này, trái cây không thể tiêu thụ ngoài thành phố lớn do giãn cách xã hội. Chính vì thế, mình phải tìm đối tác để xuất khẩu thông qua bên thứ ba. Một cách nữa là đi theo hướng chế biến. Nhưng dù là khách nội địa hay nước ngoài thì mối quan tâm của họ là lời bảo đảm về chất lượng. Do đó, truyền thông tiếp thị online, offline thì cuối cùng vẫn là lòng tin. Khi nhiều người bán trên mạng có vấn đề thì cộng đồng tiêu dùng sẽ mất lòng tin. Chính vì sớm nhận ra điều này, tôi chỉ giao dịch, “show” hàng khi đảm bảo minh bạch nguồn gốc. Đối với trái cây, do nguồn cung đã có vùng nguyên liệu GAP ở các huyện Lai Vung, Cao Lãnh nên mua - bán trung bình một ngày cả trăm đơn hàng là chuyện hoàn toàn khả thi.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, bối cảnh Covid-19 đã làm phơi bày rõ hơn các điểm khiếm khuyết đang tiềm ẩn trong các nền kinh tế thế giới; dòng chảy thương mại toàn cầu đang đi qua một khúc quanh lớn và chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái sắp xếp cho một môi trường kinh tế bình thường mới của thế giới; tác động của dịch Covid-19 cũng đã chứng minh thương mại điện tử là điều kiện tất yếu để giúp các DN đứng vững và phát triển. Tình hình thị trường bây giờ đòi hỏi nông dân phải làm sạch, kiểm soát chất lượng. Việc liên kết nhà nước, DN với nông dân sẽ giúp nông dân làm ra sản phẩm có chất lượng, từ đó có thể đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính... Đây là lộ trình dài, nhưng là “con đường phải đi”.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn