Tín hiệu lạc quan từ mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp

Cập nhật ngày: 24/08/2012 14:05:50

Đồng Tháp là 1 trong 12 tỉnh thành trên cả nước thực hiện dự án mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Sau một thời gian triển khai thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Đôi bên cùng có lợi

2 dự án mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp được thực hiện tại Đồng Tháp áp dụng trên 2 sản phẩm: lúa gạo và ớt. Với mô hình doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân về tiêu thụ ớt và cung ứng vật tư nông nghiệp, huyện Thanh Bình được chọn là vùng thực hiện dự án. Trong năm 2012, huyện đã triển khai mô hình “Sản xuất ớt cay an toàn” nằm trong khuôn khổ dự án mô hình thí điểm tại xã Tân Huề, với quy mô 10ha, có 34 hộ nông dân tham gia.


Thu hoạch ớt trong vùng dự án ở xã Tân Huề, huyện Thanh Bình
                                                                                        Ảnh: Mỹ Nhân

Kết quả sau thời gian thực hiện, bà con nông dân tham gia mô hình nắm được quy trình trồng ớt cay an toàn, áp dụng các biện pháp tổng hợp trong canh tác. Từ đó, tiết kiệm được chi phí sản xuất; tăng năng suất, chất lượng; giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân. Lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình là 12,6 triệu đồng/ha. Đại diện doanh nghiệp tham gia dự án - ông Nguyễn Hồng Hà, chủ cơ sở kinh doanh Dũng Ớt cho biết: Cơ sở chúng tôi và bà con nông dân đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là xây dựng mối liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ ớt, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm ớt nhằm tăng hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho ông dân.

Đối với mô hình doanh nghiệp - HTX - nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, thời gian đầu triển khai thực hiện ở vụ đông xuân 2011-2012, các chủ thể tham gia mô hình không đạt được những thỏa thuận như ban đầu. Tuy nhiên, Ban điều hành dự án đã linh động kịp thời chuyển đổi chủ thể tham gia. Vụ hè thu 2012, Ban điều hành dự án giới thiệu Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà đến làm việc và ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với HTX Tân Tiến và HTX Phú Bình thuộc xã Phú Đức, huyện Tam Nông với tổng diện tích là 400ha (ước khoảng 3.000 tấn lúa hàng hóa) và tổ hợp tác Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, diện tích 130ha. Theo đó, công ty sẽ thu mua hết lượng lúa hàng hóa với giá cao hơn giá thị trường thời điểm trong khu vực 200 đồng/kg, thưởng 10 đồng/kg lúa đối với những hộ nông dân thực hiện đúng hợp đồng ký kết về số lượng và chất lượng lúa; trả thù lao cho HTX về công tác quản lý vận động tổ chức cho nông dân tham gia hợp đồng là 20 đồng/kg. Kết thúc mùa vụ, kết quả thu mua đạt 100% theo hợp đồng đã ký. Ông Nguyễn Hoàng Ân - chủ nhiệm HTX Phú Bình cho hay: Mô hình thật sự đem lại sự yên tâm, phấn khởi cho bà con nông dân và xã viên nhờ sự kết hợp chặt chẽ, uy tín giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Duy trì và nhân rộng mô hình

Từ tâm huyết dành cho dự án mô hình doanh nghiệp - HTX - nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp, ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH XNK - TM Võ Thị Thu Hà cho rằng, nơi nào Ban quản lý HTX điều hành tốt, nơi đó công ty sẽ phối hợp với bà con thực hiện hợp đồng thuận lợi. Ngoài hiệu quả về kinh tế, một thành công khác là qua dự án, công ty và bà con nông dân đã xây dựng được tình cảm gắn kết, tin tưởng.


Kho chứa gạo của Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà
                                                                                       Ảnh: Thanh Hiền

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Phú Son - Trường Đại học Cần Thơ, dự án xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân về tiêu thụ ớt và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mang tính thực tiễn cao. Về dự án mô hình doanh nghiệp - HTX - nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp được tiến hành phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Thông qua dự án, người nông dân nâng cao được nhận thức làm ăn trong cơ chế thị trường.

Tại hội nghị tổng kết mô hình thí điểm liên kết tiêu thụ nông sản - cung ứng vật tư nông nghiệp của tỉnh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá, chương trình thành công là nhờ sự phối kết hợp và sự chỉ đạo tốt của lãnh đạo các cấp từ UBND tỉnh đến các sở, ngành, huyện, xã... Chương trình đã thật sự mang lại những lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “...Trong năm 2013, bên cạnh các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản với nông dân, Đồng Tháp sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn tham gia thực hiện mô hình này như: Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH chế biến lương thực Cẩm Nguyên...”

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn