Tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Cập nhật ngày: 10/04/2025 13:38:24

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250410014030dt2-9.mp3

 

ĐTO - Căn cứ Chương trình hành động số 95-CTr/TU ngày 14/3/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ít nhất 8%, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng đột phá, tận dụng cơ hội kinh tế toàn cầu và khu vực, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án đầu tư tư nhân và phát triển ngành kinh tế chủ lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững...

Tỉnh tập trung kích thích tăng trưởng đột phá ngay trong quý II và quý III, chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung cả nước.

Trong kịch bản tăng trưởng năm 2025, Đồng Tháp phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt 8,18%, dựa trên sự phát triển bổ trợ lẫn nhau và bền vững giữa 3 khu vực kinh tế. Khu vực nông - lâm - thủy sản phấn đấu đạt 4%, đóng vai trò nền tảng ổn định, hỗ trợ nguyên liệu cho 2 khu vực còn lại. Khu vực công nghiệp - xây dựng giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 12,2% trong năm 2025 (công nghiệp tăng 11,5%, xây dựng tăng 15,5%), tập trung thúc đẩy công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị, tận dụng nguồn lực từ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Khu vực thương mại - dịch vụ phấn đấu tăng trưởng 9,27%, đóng vai trò kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế chung.

Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhất là chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc. Các cấp, các ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác, chỉ đạo điều hành năm 2025; bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; khuyến khích sự tham gia giám sát của người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Các cấp, ngành thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Bản cam kết hành động năm 2025; tổ chức đánh giá định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng để bảo đảm các cam kết, chỉ tiêu, dự án được thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả. Đồng thời tổ chức rà soát, phân công triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương theo phương châm “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm; xử lý công việc dứt điểm, đúng quy chế làm việc, bảo đảm không trễ hạn và đáp ứng yêu cầu chung; chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khi giải quyết công việc, bảo đảm tiến độ xử lý, không để chậm trễ, kéo dài; tăng cường kiểm tra, làm việc, giải quyết các công việc tại cơ sở; sử dụng hệ thống quản lý công việc điện tử để theo dõi, báo cáo tiến độ và lưu trữ kết quả thực hiện; xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức trường hợp trễ hạn hoặc không đạt yêu cầu.

Từng ngành, từng địa phương căn cứ kịch bản tăng trưởng của tỉnh để xây dựng kịch bản thực hiện các chỉ tiêu kinh tế theo tháng, quý; xác định các nhóm công việc có thể tạo đột phá, chuyển biến tích cực trong năm, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, điểm hạn chế đang hiện hữu; phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra thêm những giá trị mới trong ngành, lĩnh vực mình quản lý; xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó với những biến động bất ngờ từ kinh tế, xã hội hoặc thiên tai, dịch bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp sáng tạo, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách để thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn gồm: quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; quy định việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp.

Các sở, ngành tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư và UBND các huyện, thành phố, triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, phấn đấu trong năm 2025 thu hút thêm 24 dự án đầu tư mới, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thu hút đầu tư vào các dự án kho bãi hàng hóa, hạ tầng thương mại, logistics và các lĩnh vực tiềm năng như: công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá cơ hội đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch và các chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân. Theo đó, tăng cường thu hút các dự án đầu tư mới quy mô lớn, đặc biệt các dự án trên 500 tỷ đồng do tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành, trong đó, TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc tiên phong dẫn đầu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư có trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ thông tin để giới thiệu tổng thể với nhà đầu tư, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn về quỹ đất sạch; kiểm tra, đánh giá các dự án đã có quyết định hoặc chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, siết chặt kỷ cương để chống lãng phí, đặc biệt là tài nguyên đất đai...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn