Nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Cập nhật ngày: 20/11/2024 15:08:05

ĐTO - Ngày 20/11, UBND huyện Tam Nông tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về kiến thức, kỹ năng truyền thông Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim năm 2024. Tham dự lớp tập huấn tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cùng 12 điểm cầu ở các huyện và thành phố.


Quang cảnh buổi tập huấn tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Tại lớp tập huấn, TS. Trần Triết - Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu - Đông Nam  Á, Hội Sếu Quốc tế, giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế VQG Tràm Chim giới thiệu về VQG Tràm Chim; thông tin về sếu đầu đỏ và triển khai một số nội dung cơ bản của Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim.


TS. Trần Triết - Giám đốc Chương trình bảo tồn Sếu - Đông Nam Á, Hội Sếu Quốc tế chia sẻ tại hội trường UBND huyện Tam Nông (Ảnh: Thành Long)

TS. Trần Triết cho biết, sếu đầu đỏ, một loài chim quý hiếm với phân bố rộng khắp từ Ấn Độ đến Đông Nam Á và Bắc Úc, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, phân loài sếu đầu đỏ phương Đông, chủ yếu sinh sống tại các quốc gia như: Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam, đang giảm sút số lượng nghiêm trọng. Trong vòng 10 năm qua, số lượng cá thể sếu đầu đỏ tại Campuchia và Việt Nam đã giảm từ 850 xuống còn dưới 200 con, đây là một hồi chuông báo động về tình trạng suy giảm sinh học nghiêm trọng.

Cũng theo TS. Trần Triết, việc tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ là một bước đi đúng hướng. Đề án này không chỉ góp phần bảo vệ loài chim quý hiếm mà còn phục hồi hệ sinh thái vùng đất ngập nước đặc trưng của vùng đồng Tháp Mười, đặc biệt là tại VQG Tràm Chim.

Để Đề án đạt thành công như kỳ vọng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, các nhà khoa học và doanh nghiệp, sự tham gia của người dân, đặc biệt là nông dân sống xung quanh VQG Tràm Chim, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp cải thiện chất lượng môi trường sống, tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đầu đỏ sinh sống và sinh sản.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn