Cần tận dụng tốt bộ máy chiếu phim kỹ thuật số hóa

Cập nhật ngày: 09/11/2016 11:06:41

ĐTO - Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh vừa tổ chức bàn giao 12 bộ máy chiếu phim kỹ thuật số hóa cho 12 Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện, thị, thành trong tỉnh với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Các bộ máy chiếu này chủ yếu phục vụ cho việc chiếu phim lưu động, tuyên truyền ở cơ sở. Vấn đề là cần làm gì để phát huy hiệu quả sự đầu tư ấy.


Một buổi chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh

Hiện nay khoa học công nghệ phát triển, các phương tiện nghe nhìn ngày một hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân. Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức được hàng chục buổi chiếu phim nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, có không ít buổi chiếu phim thưa thớt người xem, gây lãng phí cả công sức lẫn kinh phí. Được biết, để thực hiện thành công mục tiêu và định hướng của Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2015, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển điện ảnh tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong các chỉ tiêu kế hoạch ấy có việc đầu tư cho Trung tâm VH-TT 12 huyện, thị, thành 12 bộ máy chiếu phim kỹ thuật số hóa.

Việc đầu tư để điện ảnh tỉnh ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, cũng như có các điểm tập trung vui chơi, giải trí lành mạnh cho các thanh thiếu niên là việc cần thiết. Điều quan trọng là làm sao để hoạt động chiếu phim ngày càng phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền ở cơ sở. Theo ông Nguyễn Hữu Lý - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngay trong ngày bàn giao 12 bộ máy chiếu phim kỹ thuật số hóa, Sở đã chỉ đạo địa phương cần phát huy tối đa hiệu quả bộ máy chiếu phim, đặc biệt là chú trọng công tác phối hợp các ngành, đoàn thể tuyên truyền các chủ trương chính sách, phối hợp tốt việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch, chiếu phim điện ảnh,... Muốn tuyên truyền được các nội dung phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cụ thể cho các tổ chiếu phim lưu động.

Ngay khi nhận được bộ máy chiếu phim, ông Hoàng Đình Toàn - Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Tháp Mười cho biết: “Có bộ máy chiếu kỹ thuật số hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền của địa phương. Khi nhận thông tin được tỉnh hỗ trợ bộ máy chiếu, tôi rất vui vì đơn vị có thêm công cụ để phục vụ cho công tác tuyên truyền, sẽ lồng ghép trong các đợt lưu diễn cũng như có sự phối kết hợp để phục vụ cho các hội nghị, các hội thi, diễn đàn nếu các đơn vị ngành huyện, các xã cần thiết trong việc phối hợp”.

Tại các Trung tâm VH-TT đã và đang thành lập các tổ chiếu phim lưu động trực thuộc Đội thông tin lưu động của Trung tâm. Do đó, để chủ động chiếu phim tuyên truyền, đội thông tin lưu động cần phải có kế hoạch phối kết hợp với các ngành, đoàn thể của huyện, cũng như các xã thực hiện. Bên cạnh đó cần chủ động liên hệ các sở, ngành tỉnh để mượn, sưu tầm, đề nghị hỗ trợ các tài liệu phim ảnh, xem đây là nguồn tư liệu phong phú phục vụ cho hội nghị chuyên đề các ngành huyện, các xã về an toàn giao thông, gương người tốt việc tốt, phòng chống tệ nạn xã hội,... Nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh nên mở các lớp tập huấn sử dụng thiết bị, vì cán bộ lĩnh vực văn hóa ở các huyện, thị, thành từ trước đến nay chưa làm công tác này. Để hoạt động chiếu phim lưu động đạt hiệu quả, thiết nghĩ việc chiếu phim cần kết hợp với nhiều loại hình tuyên truyền khác như tuyên truyền miệng, tổ chức văn nghệ trước buổi chiếu phim, qua đó dễ thu hút các tầng lớp nhân dân đến xem hơn. Nội dung chiếu phim cũng nên thiết thực, bên cạnh tuyên truyền các đề án trọng tâm của tỉnh sao cho nhẹ nhàng, hấp dẫn, cũng cần chú ý đến nhu cầu hưởng thụ phim ảnh của nhân dân, nhu cầu tìm hiểu sức khỏe đời sống, cách làm kinh tế mà có những bộ phim tương ứng phù hợp.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn