Gặp gỡ 2 cá nhân nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh:

Sáng mãi lòng yêu nghề và say mê học hỏi

Cập nhật ngày: 05/06/2013 06:00:37

Trong số 139 công nhân, lao động trên khắp mọi miền đất nước được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ II của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỉnh Đồng Tháp có 2 người. Gặp họ sau ngày nhận giải, điều ấn tượng nhất mà chúng tôi nhận được là các anh có lòng yêu nghề và tinh thần đam mê học hỏi.

Anh kỹ sư “cháy” hết mình với công việc

Anh Lâm Thanh Phong, Tổ trưởng tổ sản xuất nguyên liệu, nhà máy dược liệu, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu (CPXNK) y tế Domesco. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2001 (ngành Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu), anh Phong bắt đầu sự nghiệp với 6 năm là kỹ sư nghiên cứu dược liệu ở Viện Công nghệ Hóa học TPHCM.

Năm 2007, anh về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Phòng QC-RD), Công ty CPXNK y tế Domesco. 3 năm sau, anh chuyển qua làm việc ở nhà máy dược liệu với công việc chiết xuất nguyên liệu. Anh luôn tìm tòi nghiên cứu và có nhiều sáng kiến, giải pháp hay trong việc chiết xuất dược liệu giúp Công ty tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Năm 2010, anh có 2 giải pháp tham gia tại hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đều đạt giải cao. Trong đó, giải pháp “Tối ưu hóa quy trình sản xuất nguyên liệu cốm Garlic” đạt giải B.

Từ các dược liệu như tỏi và nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất mới với quy trình khép kín, anh góp phần tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao mà giá thành thấp, tận dụng triệt để nguyên liệu đầu vào cho đến các phụ phẩm và sản phẩm chính. Ý tưởng này giúp Công ty tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 200 triệu đồng/năm. Liên tiếp 2 năm sau, anh có 3 đề tài đạt giải tại hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh.

Trong 3 năm làm việc tại nhà máy dược liệu - Công ty CPXNK y tế Domesco, anh có hàng chục sáng kiến, làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Phong quan niệm: “Yêu nghề, gắn bó với nghề, cộng thêm sự trải nghiệm thực tế và môi trường làm việc sẽ là động lực giúp chúng ta có những ý tưởng mới. Mọi sáng kiến đều đi từ thực tế mà ra”.

Người công nhân sáng tạo

Anh Đặng Văn Bé Sáu - Đội trưởng Đội thu gom rác và nạo vét cống, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp, 14 năm trong nghề, trong đó hơn 12 năm anh Bé Sáu làm công nhân ở tổ cống, do đó anh hiểu rõ nỗi cực khổ của các anh em trong đội. Với bề dày kinh nghiệm và tính ham học hỏi, anh đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp ích cho đơn vị.

Từ năm 2008 đến 2012, anh Bé Sáu đã trực tiếp thực hiện giải pháp “Sử dụng máy nổ Honda cũ kết hợp với phương pháp luồn trái châu để làm loãng cặn bùn đóng trong hố gas”. Ý tưởng này giúp việc nạo vét cống dễ dàng, hiệu quả, khoảng cách giữa 2 lần vét cống lâu hơn ít nhất 6 tháng; người lao động không phải ngâm mình xuống nước cống khi làm việc. Sáng kiến giúp Công ty tiết kiệm được từ 70-80 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, giải pháp “Hoán đổi, phân công, luân phiên trong công việc của tổ nạo vét cống” của anh cũng được lãnh đạo Công ty đánh giá cao, giải pháp giúp tiết kiệm 50 triệu đồng/năm chi phí thuê mướn nhân công lao động.

Khi nói về những thành công của mình, anh không ngừng nhắc tới sự hỗ trợ của đồng nghiệp và tổ chức công đoàn: “Công đoàn luôn động viên, khuyến khích và tạo môi trường thi đua sáng tạo ngay trong từng bộ phận, nhóm, tổ. Bởi vậy, với tất cả các thành viên của Công ty, mỗi ngày là một sáng kiến, mỗi sáng kiến là một bước hoàn thiện mình”.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn