4 năm, người dân sống trong ô nhiễm môi trường
Cập nhật ngày: 22/04/2013 13:17:01
Suốt 4 năm qua, hàng trăm hộ dân ấp Thị, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường do khói bụi, chất thải của 2 cơ sở xay xát, ép củi trấu tọa lạc ngay trung tâm khu vực đông dân cư.
Các vật dụng trong nhà đầy bụi bẩn
4 năm qua, người dân nơi đây phải sống chung với khói bụi. Mỗi gia đình đều trang bị các dụng cụ che chắn khói, bụi nhưng vật dụng trong nhà vẫn không thể sạch sẽ, thực phẩm ăn uống, nước sinh hoạt trong gia cũng trở nên mất vệ sinh.
Bà Nguyễn Thị Muối - ấp Thị, xã Thường Lạc cho biết: “20 mấy năm qua nhà máy sản xuất không có lò củi nên khói bụi ít, người dân chúng tôi cũng chịu được. Nhưng khoảng 4 năm nay, ô nhiễm môi trường nặng, không khí ngột ngạt, nhà cửa dọn dẹp thường xuyên nhưng không sạch nổi...”.
Khổ hơn là những hộ dân sống ở giữa 2 cơ sở xay xát, ép củi trấu, gió thổi xuống thì hứng bụi nhà máy trên, gió thổi lên hứng bụi nhà máy dưới. Nhà cửa lúc nào cũng bám khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm, người già không thể ngủ, trẻ em đau bệnh vì môi trường sinh hoạt bị ô nhiễm.
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hồng Ngự, từ 7/2010 đến 4/2012, UBND huyện và Công an tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức 6 lần kiểm tra và đều ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi (do ông Kiến Văn Lỷ làm chủ doanh nghiệp) số tiền gần 18 triệu đồng, với các hành vi: chưa thực hiện đầy đủ nội dung cam kết bảo vệ môi trường, xả trấu xuống sông, hệ thống xử lý nước thải, khói bụi không đảm bảo, gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn 1,5 lần, đặc biệt từ 6 - 22 giờ đêm, không ký kết hợp đồng lao động.
Đoàn kiểm tra cũng buộc cơ sở phải cam kết khắc phục theo thời gian quy định. Tuy nhiên, mỗi lần có đoàn kiểm tra, cơ sở lại tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, sau đó trở lại hoạt động hết công suất, tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Nguyễn Hoàng Nhung, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hồng Ngự cho biết: “Theo văn bản chỉ đạo của Sở Tài nguyên - Môi trường, Phòng sẽ kết hợp với Chi cục quản lý môi trường buộc cơ sở thực hiện nghiêm việc hoạt động không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu cơ sở không thực hiện thì trình UBND tỉnh xem xét ban hành Quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 48 của Nghị định 117 của Chính phủ”.
Ngoài việc thả khói bụi ra môi trường thì cơ sở xay xát Vạn Lợi còn xả chất thải công nghiệp trực tiếp xuống sông Tiền, nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hiện UBND tỉnh đã liệt doanh nghiệp này vào danh sách doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Thiết nghĩ, việc nhà máy hoạt động trong khu vực dân cư là không phù hợp, ngoài ảnh hưởng do tiếng ồn thì khói bụi và chất thải là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sống của người dân, vì vậy các ngành, các cấp cần quy hoạch cách ly cơ sở sản xuất với khu vực đông dân cư để đảm bảo môi trường cho người dân.
Minh Thi