Bức xúc của thành viên Hợp tác xã Phước Tiền

Cập nhật ngày: 07/06/2017 10:12:15

ĐTO - Nhiều thành viên Hợp tác xã (HTX) Phước Tiền (trụ sở ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) bức xúc về cách lãnh đạo, điều hành của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban giám đốc, nhất là trong quản lý tài chính. Nỗi bức xúc ấy kéo dài từ đầu năm 2016 đến nay.


Một số thành viên bức xúc về cách lãnh đạo, quản lý của Hợp tác xã Phước Tiền


Danh sách có những khoản chi cho các tiệc nhậu bị “rò rỉ” ra ngoài​

HTX Phước Tiền thành lập vào tháng 7/2014 với hơn 340 thành viên, trên cơ sở hợp nhất 4 HTX của xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền. Qua báo cáo tổng kết thu chi của HTX năm 2015, nhiều thành viên phát hiện có những khoản chi không rõ ràng, chưa hợp lý.

Tiền cơm và tiếp khách hơn 150 triệu đồng

Qua phản ánh, phóng viên Báo Đồng Tháp thu thập được thì trong năm 2015, kinh phí quản lý HTX Phước Tiền gần 334 triệu đồng, trong đó chi tiếp khách lên đến gần 80 triệu đồng; chi phí cho đoàn công tác HTX làm nội đồng hơn 73 triệu đồng, chủ yếu để... mua cơm. Ông Võ Văn Bô - thành viên HTX Phước Tiền bức xúc nói: “Tôi nghĩ chi phí cho đoàn kiểm tra nội đồng là cao hơn so với thực tế. HTX thành lập chưa lâu mà chi quá “mạnh tay” cho ăn uống, tiếp khách. Số tiền này do xã viên tụi tôi chịu chứ ai”.

Trong bản chi phí quản lý HTX Phước Tiền năm 2015, có rất nhiều mục chi tiền cơm cho đoàn công tác HTX và tiếp khách. Qua tìm hiểu của phóng viên, việc chi hỗ trợ đoàn công tác HTX làm công tác nội đồng và định mức số lần chi tiếp khách trong tháng chưa được thể hiện cụ thể trong Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính HTX Phước Tiền. Một số chứng từ chi tiếp khách vượt mức quy định của Quy chế quản lý tài chính (cao hơn 2 triệu đồng/1 lần tiếp khách).

Xã viên chưa nguôi ngoai việc HTX chi nhiều tiền mua cơm và tiếp khách thì gần đây, bà con lại “dậy sóng” khi có 2 tờ báo cáo về chứng từ chưa thanh toán của HTX (được lập vào tháng 9 và 10/2016) bị “rò rỉ” ra ngoài, số tiền trên 30 triệu đồng. Điều đáng lưu ý là trong báo cáo này có ghi những mục chi cho các tiệc nhậu, hát karaoke mà khách tham gia có cả một số lãnh đạo địa phương. Ông Lê Văn Quí - Chủ tịch HĐQT HTX Phước Tiền phân trần: “Theo mùa vụ, 3 - 4 tháng, cán bộ, nhân viên HTX mới lãnh lương nên anh em tạm ứng để có tiền chi tiêu, quan hệ công tác... Vấn đề tạm ứng, tiếp khách này là ở góc độ cá nhân. Khi lãnh lương, anh em sẽ bị trừ lại số tiền đã tạm ứng trước đó. Thủ quỹ ghi lại danh sách để tiện theo dõi”.

Mua máy kobe chưa đúng quy trình

Chủ trương mua máy kobe đào đất đã được xã viên biểu quyết thống nhất nhưng chưa biểu quyết về giá trị mua sắm. Tuy nhiên, tháng 10/2015, HTX Phước Tiền “vội vàng” mua chiếc kobe đã qua sử dụng với số tiền 670 triệu đồng (chưa tính thuế). Giá trị mua kobe vượt thẩm quyền duyệt chi của HĐQT (theo Quy chế tài chính HTX Phước Tiền, HĐQT chỉ có quyền duyệt chi từ 100 - 300 triệu đồng/lần). Một số thành viên HTX không đồng tình với cách làm thiếu dân chủ trên; hoài nghi về giá trị thật sự của chiếc kobe. Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: “UBND huyện đã thành lập Tổ khảo sát giá trị chiếc kobe. Thành phần gồm đại diện Phòng Nông nghiệp, Tài chính Kế hoạch, lãnh đạo xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền, thành viên HTX... Khi có kết quả chính thức sẽ thông báo rộng rãi cho người dân biết”.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, có một thời gian, ông Lê Văn Quí đảm nhiệm ký duyệt tất cả các chứng từ kế toán, trong khi đó, ông Lê Văn Thơ (em ruột ông Quí) lại là kế toán viên. Việc này là sai so với quy định tại Khoản 3, Điều 51, Luật Kế toán năm 2003. Tuy ông Quí đảm nhiệm việc ký duyệt chứng từ kế toán thay cho Giám đốc HTX là có chủ trương của HĐQT nhưng điều đó chưa phù hợp với quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT được quy định tại Điều lệ HTX và Quy chế quản lý tài chính của HTX Phước Tiền.

Trong xã viên cũng còn nhiều dư luận không hay về HTX như việc trích khấu hao tài sản cố định; xây dựng nhà kho vật tư nông nghiệp (trên 250 triệu đồng); anh Lê Văn Vũ là con ruột của ông Lê Văn Quí được “ưu ái” nhận vào làm việc trong HTX; không chia lợi nhuận từ dịch vụ vật tư nông nghiệp và hỗ trợ vốn thành viên cho những xã viên không sử dụng dịch vụ này vào năm 2015...

Củng cố lại bộ máy HTX

Cùng với những “tai tiếng” không hay, tỷ lệ lãi suất xã viên được chia cũng giảm dần. Nếu năm 2015 là 22% thì 2016 giảm còn 13,5%. Từ đó, nhiều xã viên bất mãn, dần mất niềm tin vào HTX Phước Tiền. Ông Trương Văn Đém - thành viên HTX Phước Tiền bộc bạch: “Tôi rất mong sẽ thay đổi một số vị lãnh đạo trong HTX, tìm người khác đủ đức, đủ tài giúp vực dậy HTX. Ngành chức năng tỉnh cần sớm vào cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động thu chi tài chính của HTX Phước Tiền trong các năm qua để bà con an tâm, tin tưởng hơn vào HTX”.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể huyện Hồng Ngự, UBND huyện đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành tình hình thu chi tài chính HTX Phước Tiền; chỉ đạo HTX tổ chức Đại hội bất thường và thường niên để giải quyết các vấn đề mà xã viên không thống nhất như việc mua kobe, những khoản chi không rõ ràng... UBND huyện yêu cầu HTX Phước Tiền chấn chỉnh lại bộ máy tổ chức; Chủ tịch HĐQT và Ban giám đốc cần thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ được giao; phân công lại bộ phận giúp việc, bộ phận kế toán phù hợp theo quy định của pháp luật. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về công tác kế toán; Quy chế quản lý tài chính và Điều lệ HTX.

 Ông Trần Văn Muốl - Chủ tịch UBND xã Thường Phước 2 cho hay: Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể huyện chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền có kế hoạch củng cố nhân sự HTX. 2 địa phương họp bàn, đánh giá hạn chế, khuyết điểm của các đồng chí lãnh đạo HTX. Từ đó, định hướng về nhân sự để xã viên bầu chọn người thay thế.

HTX được xem là nhân tố vô cùng quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phước Tiền là một trong những HTX lớn của tỉnh. Thiết nghĩ, việc thanh lọc bộ máy, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động HTX này là điều hết sức quan trọng và cấp thiết nhằm tránh những dư luận không hay.

HÒA HIỆP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn