Cà phê tư vấn Luật miễn phí - nét mới trong tuyên truyền pháp luật
Cập nhật ngày: 01/12/2017 14:53:44
Với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) đến từng ấp, từng xã ở nông thôn, quán “Cà phê pháp luật” là một mô hình mới, sáng tạo, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Quán “Cà phê tư vấn pháp luật” Luật của bà Nguyễn Thị Bé ở khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười thu hút nhiều người dân đến để được chia sẻ những vấn đề liên quan đến pháp luật. Bà Nguyễn Thị Bé - chủ quán cafe cũng đồng thời là một tư vấn viên pháp luật, vì vậy mà khi người dân có nhu cầu, bà Bé sẽ tiến hành tư vấn pháp luật trực tiếp, miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Bé chia sẻ: “Xuất phát từ yêu cầu thực tế của người dân muốn tìm hiểu những thông tin liên quan đến pháp luật, nhưng họ không biết đến đâu để được tư vấn. Do đó, tôi lập ra quán cà phê tư vấn pháp luật để kịp thời tư vấn, hướng dẫn bà con nắm thêm những thông tin cơ bản về pháp luật khi họ cần đến. Đối với những vấn đề phức tạp sẽ được chuyển qua Hội Luật gia để tư vấn”.
Trường hợp của chị Nguyễn Kim Thà ngụ khóm 3, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, sau khi khởi kiện vụ án tại tòa, chị luôn rơi vào tâm trạng lo âu, bởi chị không am hiểu về các quy định pháp luật có liên quan, nên không biết vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào, phải làm gì để bảo vệ quyền lợi khi vụ việc được đưa ra xét xử... Những thắc mắc, lo lắng khiến chị ăn ngủ không yên, chị đã tìm đến quán cà phê tư vấn pháp luật miễn phí. Chị Thà cho biết: “Tôi có yêu cầu về ly hôn, do không hiểu về pháp luật nên tôi không biết trình tự, thủ tục phải làm như thế nào, khi đến với quán cà phê pháp luật, tôi được chị Bé tư vấn, giúp tôi hiểu rõ hơn, từ đó tôi yên tâm, không còn lo lắng nhiều”.
Ngoài việc tư vấn pháp luật trực tiếp, điểm tư vấn pháp luật này còn được trang bị tủ sách pháp luật, với nhiều loại sách luật gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân như: hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống tham nhũng...
Ông Trần Hữu Yêm ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Từ ngày có quán cà phê pháp luật, tôi và một số người dân nơi đây đã tìm đến, nắm bắt thêm những thông tin mới về pháp luật để thực hiện cho đúng với chủ trương, quy định của Nhà nước, địa phương. Trước đây, có vấn đề gì không hiểu, phải đến cơ quan nhà nước nên mất nhiều thời gian, giờ có điểm tư vấn pháp luật như vầy rất thuận lợi, người tư vấn rất nhiệt tình, giải thích, hướng dẫn... tôi thấy rất hay. Sắp tới, có ai cần nắm thêm những thông tin liên quan đến pháp luật, tôi sẽ chỉ họ đến đây để được tư vấn”.
Đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng điểm tư vấn pháp luật miễn phí tại quán cà phê của bà Bé đã tư vấn, hướng dẫn kiến thức pháp luật cho trên 70 người dân. Ông Nguyễn Văn Tưng - Trưởng phòng Tư pháp huyện Tháp Mười nhận xét: “Mô hình cà phê tư vấn pháp luật miễn phí đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu pháp luật. Đây còn là nơi người dân có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong đời sống, nâng cao kiến thức đời sống và pháp luật, từng bước hình thành thói quen tham khảo pháp luật trước khi thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình, hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp, không đúng quy định”.
Có thể nói, mô hình cà phê tư vấn pháp luật đã tạo nên nét mới trong công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân. Đây là tiền đề trong việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn pháp luật tại cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; tạo sự chuyển biến mạnh về ý thức tuân thủ pháp luật, đồng thời ngăn chặn và góp phần làm giảm dần các hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân.
K.N - Cao Lê