Cần có một quyết định phù hợp hơn

Cập nhật ngày: 15/08/2014 05:38:03

Trong căn nhà sàn mục nát, là nơi thờ cúng cha là Liệt sỹ Nguyễn Hoàng Hưng, ông Nguyễn Văn Én (sinh năm 1954) ngụ ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười không dấu nỗi nét buồn vì gia đình ông có thể phải rời bỏ căn nhà chứa đầy kỷ niệm, nếu ông thua kiện trong phiên tòa xét xử dân sự phúc thẩm sắp tới.


Ông Nguyễn Văn Én bên căn nhà trên mảnh đất đang tranh chấp

Ông Nguyễn Văn Én kể, năm 1983 vợ chồng ông và các con về quê nội ở ấp 1, xã Mỹ Hòa sinh sống. Lúc đó, bà nội ông là cụ Phan Thị Ba có cho gia đình ông phần đất diện tích 9mx18m để cất nhà ở. Sau đó, gia đình ông có chuyển đi nơi khác một thời gian nhưng vẫn giữ hộ khẩu ở ấp 1, xã Mỹ Hòa.

Đến năm 1990, vợ chồng ông Én về lại phần đất cũ để cất nhà. Lúc này, bà nội ông đã mất, các cô ruột của ông là bà Nguyễn Thị Phiến và bà Nguyễn Thị Bảy có đứng ra cho ông phần đất diện tích 9m x18m để cất lại nhà và ở ổn định từ đó đến nay.

Bất ngờ vào tháng 7/2013, bà Nguyễn Thị Lắm đã có đơn khởi kiện, yêu cầu ông Én tháo dỡ căn nhà, giao lại đất cho bà vì bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên. Lý do là ngày 9/10/2009, bà đã được UBND huyện Tháp Mười cấp GCNQSDĐ diện tích 684m2 trong đó có cả phần đất ông Én đã cất nhà.

Theo bà Nguyễn Thị Lắm trình bày tại tòa án, năm 1995 bà có mua miếng đất thổ cư và trồng cây lâu năm của mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Bảy với giá 1 chỉ vàng 24k, chiều ngang 18m, dài 38m, đến ngày 9/10/2009 thì được cấp GCNQSDĐ, trên phần đất này có một căn nhà của ông Én cất từ năm 1990.

Ông Nguyễn Văn Én bức xúc: “Nguồn gốc đất tôi đang ở là của bà nội tôi cho, sau đó cô Chín tôi là Nguyễn Thị Phiến cho tôi cất nhà ở từ năm 1990 đến nay. Không hiểu sao năm 2009, cô Lắm lại được UBND huyện Tháp Mười cấp GCNQSDĐ luôn cả phần diện tích đất căn nhà của tôi”.

Ông Nguyễn Văn Én sẽ mất nhà và mất luôn suất được hỗ trợ cất nhà tình nghĩa nếu thua kiện

Ông Nguyễn Thanh Việt - công chức văn hóa - xã hội xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết: “Hộ ông Nguyễn Văn Én đang hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Vừa qua, xã và huyện có lên danh sách gửi về tỉnh cho hộ ông được nhận hỗ trợ 45 triệu đồng để cất nhà tình nghĩa theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”. Trong trường hợp nếu ông không có đất cất nhà thì xã sẽ đề nghị xét suất được hỗ trợ cất nhà đó lại cho hộ khác”.

Sau khi thụ lý đơn kiện của bà Lắm, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tháp Mười đã đưa vụ án ra xét xử. Theo nhận định của Hội đồng Xét xử thì yêu cầu của bà Nguyễn Thị Lắm đòi ông Nguyễn Văn Én dỡ nhà trả lại đất diện tích gần 122m2 tại một phần thửa đất 1317, tờ bản đồ số 6 đất tọa lạc tại ấp 1, xã Mỹ Hòa là chưa phù hợp vì xác định nguồn gốc đất của bà Phan Thị Ba, mẹ bà Nguyễn Thị Bảy. Đến năm 1990, ông Én đã được bà Bảy cho cất nhà và ở liên tục đến nay. Đến năm 2009, bà Lắm được cấp GCNQSDĐ từ thủ tục nhận cho và xác nhận trên đất có một căn nhà của bà Lắm nhưng thực tế đó là nhà của ông Én đã sử dụng từ năm 1990. Ngoài ra, tại phiên tòa, bà Lắm cũng không chứng minh bà cho ông Én cất nhà ở nên việc yêu cầu ông Én dỡ nhà trả lại đất là không có căn cứ.

Tuy nhiên, sau khi nhận định như trên, Hội đồng xét xử lại quyết định, chấp nhận yêu cầu của bà Lắm buộc ông Én tháo dỡ nhà, giao lại đất cho bà Lắm. Lý do bởi nếu giao đất cho ông Én sử dụng như hiện tại sẽ chiếm bề ngang hết 9,81m/18m mặt tiền đất của bà Lắm, với phần đất còn lại, bà Lắm sẽ không thuận tiện và không có vẽ mỹ quan trong việc sử dụng đất (?).

Từ nhận định trên, bản án dân sự sơ thẩm số 16/2014/DS-ST ngày 19/6/2014 của TAND huyện Tháp Mười buộc ông Nguyễn Văn Én dỡ nhà, giao lại đất cho bà Nguyễn Thị Lắm, bà Lắm bồi hoàn lại tiền giá trị căn nhà và hỗ trợ cho ông Én số tiền hơn 25 triệu đồng. Không đồng ý với quyết định trên, ông Nguyễn Văn Én đã nộp đơn kháng cáo bản án của TAND huyện Tháp Mười.

Ông Nguyễn Văn Én bức xúc cho biết ông đã sử dụng phần đất trên liên tục và ổn định từ năm 1990 đến nay, do đó căn cứ theo Luật Đất đai hiện hành ông có đủ điều kiện để địa phương cấp GCNQSDĐ. Qua trình bày của ông Én, thiết nghĩ, thời gian tới tòa phúc thẩm cần có một quyết định hợp tình, hợp lý hơn với trường hợp của ông Én.

Tường Lam

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn