Cần giải quyết thấu tình đạt lý đối với gia đình bà Nguyễn Thị Điếp
Cập nhật ngày: 28/02/2014 04:36:41
Có nhà và đất trúng quy hoạch cụm dân cư, nhưng việc bố trí nền tái định cư chưa thỏa đáng thì bị địa phương tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà...
Chưa nhận nền hoàn chỉnh đã bị cưỡng chế
Ngồi trong căn nhà thuê, mái lá xiêu vẹo, trống trước hụt sau, bà Nguyễn Thị Điếp ở ấp Tân Thới, xã Tân Quới không tin gia đình mình lại “khổ” như lúc này. Vợ chồng bà không có nhà để ở, cuộc sống phải dựa dẫm vào con cái. Theo bà Điếp, mọi việc là do đất đai, nhà cửa của bà bị thu hồi để thực hiện Cụm dân cư (CDC) xã Tân Quới vào năm 2002.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Điếp phải sống trong căn nhà thuê tạm bợ
từ khi nhà bị cưỡng chế đến nay
Khi CDC xã Tân Quới có diện tích hơn 50ha được phê duyệt vào năm 2002 thì toàn bộ 3.000m2 đất sản xuất và 2 căn nhà của gia đình bà Điếp dùng làm địa điểm mua bán tạp hóa (1 căn của bà và 1 của người con trai lớn tên Châu Hồng Danh) trúng quy hoạch, phải di dời (thời điểm đó gia đình bà Điếp được hỗ trợ di dời số tiền trên 105 triệu đồng, nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận tiền).
Tháng 10/2002, bà Điếp và con trai tháo dỡ 2 căn nhà gỗ đang ở với diện tích trên 100m2 để giao lại mặt bằng cho huyện Thanh Bình san lấp, thi công công trình CDC. Vợ chồng bà và anh Danh được xã Tân Quới cho xây dựng tạm 2 căn nhà gỗ, với diện tích hơn 56m2 tại khu đất trống đã được san lấp mặt bằng ở CDC của xã (phần đất trước chợ Tân Thới ngày nay) để làm nơi tá túc, mua bán.
Đến tháng 3/2004, gia đình bà Điếp được UBND xã Tân Quới cấp cho 1 nền nhà tái định cư số 61-lô F ở CDC tại nơi phần đất cũ của gia đình, với diện tích 85m2 (ngang 5m, dài 17m). Tuy nhiên, vào tháng 7/2004, lúc gia đình bà Điếp chuẩn bị vật liệu cất nhà tại vị trí nền được cấp thì bị Công an xã Tân Quới lập biên bản, không cho xây dựng vì lý do nền nhà được cấp của bà bị vướn phần đường cống thoát nước đang thi công, đồng thời nhà chuẩn bị cất vi phạm mốc lộ giới.
Bà Nguyễn Thị Điếp nói: “Công an xã khi đó lập biên bản cho rằng, Phòng Giao thông công chính huyện quy định từ tim đường trở vào mỗi bên 9m là của Nhà nước quản lý nên buộc tôi phải bỏ vô 9m mới cho xây dựng nhà. Như vậy, nền nhà tôi được cấp chỉ còn diện tích 40m2 (ngang 5m, dài 8m). Nền cấp không đúng kích thước ban đầu, tôi không xây nhà được nên không tháo dỡ căn nhà tạm ở CDC”.
Do không thực hiện tháo dỡ căn nhà tạm để trả lại mặt bằng cho CDC, ngày 20/10/2005, gia đình bà Nguyễn Thị Điếp bị UBND huyện Thanh Bình xử phạt hành chính số tiền 1 triệu đồng và buộc phải di dời nhà tạm ở CDC trong vòng 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định (giao quyết định ngày 22/10/2005), nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Gia đình anh Châu Hồng Danh cũng bị UBND huyện xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ nhà tương tự.
Không chấp hành quyết định xử phạt, ngày 15/11/2005, ngành chức năng huyện Thanh Bình tiến hành cưỡng chế 2 căn nhà tạm của bà Điếp và anh Danh. Bà Điếp nói: “Địa phương giao thông báo cưỡng chế nhưng gia đình tôi chưa nhận được đã tiến hành cưỡng chế, gây nhiều thiệt hại cho gia đình tôi”.
Theo bà Điếp trình bày, ở hai căn nhà bị cưỡng chế, gia đình bà dùng làm nơi mua bán tạp hóa, nhiều hàng hóa và tài sản của bà bị thất thoát sau khi bị cưỡng chế, trong đó có nhiều kết bia của anh Châu Hồng Danh cũng “thất lạc”.
Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo UBND huyện Thanh Bình vào ngày 22/6/2011, huyện có ra văn bản trả lời 30 kết bia của anh Danh bị Hội đồng cưỡng chế của huyện định giá bằng 2,55 triệu đồng (85 ngàn đồng/kết). Số tiền trên, Hội đồng trích ra 2 triệu đồng để nộp Kho bạc huyện để thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với gia đình bà Điếp, 550 ngàn đồng còn lại trừ vào chi phí cưỡng chế mà anh Danh phải chịu.
Cần có giải pháp thấu tình đạt lý
Sau khi bị cưỡng chế nhà, bà Điếp liên tục làm đơn khiếu nại. Qua đó, ngày 6/2/2006 (tức gần 3 tháng sau khi bị cưỡng chế) và tiếp đó, ngày 25/10/2010, ngành chức năng của huyện Thanh Bình tiến hành đo đạt xác định lại mốc hành lang lộ giới và giao lại nền nhà cho bà Điếp, diện tích đảm bảo đủ 85m2 (vị trí nền tính từ tim đường đến giáp nền nhà của bà là 7,9m) (theo Báo cáo số 122 ngày 30/5/2013 của UBND huyện Thanh Bình về kết quả giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Điếp gửi UBND tỉnh), nhưng nền nhà trên vẫn còn bị lệch xéo, đến nay bà vẫn chưa chịu nhận nền nhà cấp lại này.
Đối với anh Châu Hồng Danh, do trước lúc qui hoạch CDC xã Tân Quới, anh Danh có hộ khẩu riêng với bà Nguyễn Thị Điếp nên ngày 19/10/2006 vợ chồng anh được địa phương cấp nền tái định cư, nhưng do vị trí nền được cấp không đúng vị trí đất mà gia đình đã ở trước kia, đồng thời nền cũng bị trũng thấp so với mặt đường, vì vậy anh cũng từ chối nhận nền.
Từ khi bị cưỡng chế đến nay, hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Điếp hết sức khó khăn. Gần 10 năm nay, gia đình bà phải thuê tạm căn nhà lá với giá 800 ngàn đồng/tháng để tá túc. Vì sức khỏe yếu, không thể làm thuê được, vợ chồng bà phải nương tựa vào sự hỗ trợ của anh Châu Hồng Danh. Đến nay, căn nhà của bà đang thuê mái lá bị mục nát, vợ chồng bà cũng không có đủ tiền để thay mới. Do gia đình không có nhà để ở, hiện nay vợ chồng người con trai út của bà Điếp phải thuê nhà ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh để có nơi tá túc và tiện cho việc làm thuê, làm mướn.
Vụ việc khiếu nại của bà Nguyễn Thị Điếp đã diễn ra trong nhiều năm. Tuy có nhiều nỗ lực nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được ngành chức năng địa phương giải quyết dứt điểm. Do nền tái định cư được UBND huyện Thanh Bình cấp lại cho gia đình bà Điếp vào ngày 25/10/2010 còn xéo so với mặt đường, bất tiện trong việc cất nhà và làm ăn mua bán nên gia đình bà Điếp tiếp tục khiếu nại.
Mong rằng, thời gian tới cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại này để gia đình bà Điếp an tâm, ổn định cuộc sống.
Tường Lam
Ông Hồ Văn Tiếu - Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Thanh Bình cho biết: “Việc cưỡng chế nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Điếp, địa phương thực hiện đúng thủ tục, trình tự. Huyện có giao quyết định cưỡng chế nhưng gia đình bà Điếp không nhận, cưỡng chế xong cũng có biên bản bàn giao lại tài sản cho gia đình quản lý đầy đủ. Hiện vụ việc này đang được UBND tỉnh thụ lý, UBND huyện có gửi báo cáo chi tiết việc giải quyết khiếu nại của bà Điếp (Báo cáo số 122 ngày 30/5/2013) cho UBND tỉnh xem xét. Hiện nay, để tạo điều kiện cho gia đình bà Điếp và anh Danh có cuộc sống tốt hơn, UBND huyện Thanh Bình giải quyết cho gia đình thuê 3 kiốt tại chợ Tân Thới để mua bán. |