Chợ huyện Tháp Mười
Cần xem xét quyền lợi của tiểu thương
Cập nhật ngày: 15/01/2018 19:59:20
ĐTO - Có nhu cầu sử dụng lô bán hàng trong chợ, tiểu thương đã đóng tiền đầy đủ theo sự thống nhất của Ban quản lý chợ và ngân hàng để được giao lô. Thế nhưng sau khi đã đóng đủ tiền, lô bán hàng thì được giao cho người khác sử dụng, còn tiền đã đóng cũng không được nhận lại.
Phía trước chợ Tháp Mười là dãy hàng trái cây - nơi tranh chấp quyền sử dụng lô
Đóng tiền nhưng không được sử dụng lô
Đó là trường hợp của bà Huỳnh Thị Cẩm ngụ khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười là tiểu thương bán bông tại chợ huyện Tháp Mười. Sau khi vợ chồng Thắng - Thương (là tiểu thương bán bông) làm ăn thất bại đi khỏi địa phương, để lại 2 lô bán hàng số 19 và 20 thuộc hàng trái cây, hoa chợ Tháp Mười, do có nhu cầu về chỗ bán hàng, bà Cẩm đã gặp Ban quản lý (BQL) chợ xin được bán hàng tại 2 lô trên.
Ngày 1/7/2017, BQL chợ mời bà Cẩm và ông Lý Ngọc Phước đến trao đổi nếu có nhu cầu sử dụng lô bán hàng thì sau 3 ngày đến đăng ký, đóng tiền trả nợ ngân hàng Sacombank (do vợ chồng Thắng - Thương thế chấp 2 lô trên để vay tiền), BQL chợ sẽ giải quyết giao lô. Ngày 5/7/2017, bà Cẩm đến đóng hơn 26 triệu đồng để được quyền sử dụng 1 lô, không thấy ông Phước đóng tiền, bà Cẩm đã xin đóng tiền để được sử dụng lô còn lại. Được sự thống nhất của BQL chợ và ngân hàng, bà Cẩm đã đóng tổng cộng gần 53 triệu đồng trả nợ vay của vợ chồng Thắng - Thương cho ngân hàng và đồng ý đóng hoa chi để được sử dụng 2 lô số 19 và 20.
Thế nhưng sau khi đóng tiền xong, bà Cẩm không thể sử dụng lô bán hàng, mà thực tế là ông Phước sử dụng 2 lô trên để chứa đồ nên bà Cẩm đã khiếu nại với BQL chợ, ngân hàng và cơ quan chức năng. Ngày 31/8/2017, sau khi xác minh vụ việc, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tháp Mười đã có báo cáo UBND huyện Tháp Mười. Theo đó, việc BQL chợ ký xác nhận giấy đề nghị vay vốn của tiểu thương các thông tin như kinh doanh thường xuyên, vị trí sạp được BQL chợ sắp xếp kinh doanh; ngăn chặn tiểu thương tự ý chuyển nhượng, cho thuê lại sạp khi chưa có thông báo của ngân hàng về việc tiểu thương trả hết nợ ngân hàng là phù hợp. Còn việc BQL chợ buộc hộ thuê sau phải trả nợ vay của hộ thuê trước mới được thuê lô sạp là chưa phù hợp, vì trách nhiệm trả nợ là của người vay. Việc ngân hàng và BQL chợ buộc người thuê lô số 19 và 20 phải trả nợ cho hộ Thắng - Thương là không hợp lý. Hiện tại, 2 lô số 19 và 20 do ông Phước sử dụng để những vật dụng sinh hoạt, không buôn bán hoa và trái cây theo quy hoạch. Đề nghị BQL chợ rà soát bố trí những hộ có nhu cầu kinh doanh vào các lô còn trống.
Vấn đề đúng sai trong việc giao lô?
Ngày 14/9/2017, UBND huyện Tháp Mười có văn bản chỉ đạo việc giải quyết đơn của bà Huỳnh Thị Cẩm. Theo đó, giao Trưởng BQL chợ phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị có liên quan giải quyết tranh chấp quyền sử dụng lô số 19 và 20 giữa bà Huỳnh Thị Cẩm và Lý Ngọc Phước.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngày 22/9/2017, BQL chợ tổ chức cuộc họp với đại diện ngân hàng, bà Trần Thị Cúc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hồng Cúc (đơn vị khai thác chợ năm 2017) và bà Huỳnh Thị Cẩm, ông Lý Ngọc Phước để trao đổi về việc tranh chấp quyền sử dụng lô số 19 và 20. Tại cuộc họp này, ông Phước vắng mặt không lý do, ý kiến BQL chợ là thống nhất giao bà Cẩm sử dụng 2 lô số 19 và 20.
Đối với hợp đồng của Công ty Ngọc Hồng Cúc cho ông Phước sử dụng 2 lô số 19 và 20 từ ngày 30/5/2017 đến ngày 31/12/2017 là sai. Ngày 1/7/2017, BQL chợ có mời ông Phước và bà Cẩm để giải quyết mỗi người sử dụng 1 lô có quyền và nghĩa vụ như nhau, ông Phước không xuất trình hợp đồng ký với Công ty Ngọc Hồng Cúc về quyền sử dụng 2 lô trên. BQL chợ yêu cầu bà Cúc hủy hợp đồng với ông Phước và ký hợp đồng với bà Cẩm.
Về phía bà Cúc cho rằng hợp đồng ký với ông Phước là đúng nên không thống nhất hủy hợp đồng. Sau cuộc họp trên, BQL chợ đã có báo cáo kết quả cuộc họp trên đến UBND huyện.
Ngày 5/12/2017, BQL chợ và đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài chính - Kế hoạch, BQL trật tự - hạ tầng đô thị, UBND thị trấn họp xem xét đối tượng bốc thăm lô kinh doanh tại chợ huyện Tháp Mười. Theo đó, đối với ngành hàng trái cây (bông), ý kiến của tổ chức Hội đồng bốc thăm thống nhất giải tỏa những hộ bán không đúng ngành hàng, bố trí những hộ mới có nhu cầu mua bán trái cây; giải quyết cho bà Huỳnh Thị Cẩm 1 lô; riêng hộ ông Lý Ngọc Phước không giải quyết tham gia bốc thăm vì năm 2017 sử dụng lô làm nơi chứa vật dụng.
Trách nhiệm bỏ ngỏ...
Sau đó, gia đình ông Phước khiếu nại đến UBND huyện với yêu cầu cho ông Phước tham gia bốc thăm lô bán trái cây vì trước đây có ký hợp đồng với Công ty Ngọc Hồng Cúc nhận 2 lô số 19 và 20 của hộ Thắng - Thương thiếu nợ bỏ trốn để lại. Trong buổi tiếp công dân ngày 28/12/2017, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười kết luận thống nhất giao lô dự phòng số 21 thuộc khu bán trái cây cho ông Phước.
Trao đổi về vụ việc trên, ông Phạm Minh Thông - Trưởng BQL chợ Tháp Mười cho biết, theo thông lệ của BQL chợ trước đây và BQL chợ hiện nay tiếp nối là khi có tiểu thương bỏ lô thì BQL chợ sẽ giải quyết cho hộ có nhu cầu sử dụng và đồng ý trả nợ cho hộ thuê trước. Vì vậy, sau khi ông Phước không đồng ý đóng tiền, BQL chợ thống nhất cho bà Cẩm trả nợ thay cho hộ Thắng - Thương để được sử dụng 2 lô số 19 và 20. Nhưng sau đó, do sự bất đồng ý kiến giữa BQL chợ và Công ty Ngọc Hồng Cúc nên BQL chợ không giao được lô cho bà Cẩm sử dụng, mà hộ ông Phước sử dụng để chứa vật dụng sinh hoạt. Hiện nay, sau chỉ đạo giải quyết trên của Chủ tịch UBND huyện, BQL chợ không còn lô nào để giao cho bà Cẩm.
Như vậy, sau thời gian chờ đợi được giải quyết thì qua năm 2018 này bà Cẩm chỉ được giao sử dụng 1 lô thay vì 2 lô theo thống nhất với BQL chợ. Qua vụ việc trên cho thấy, bà Cẩm bị thiệt thòi quyền lợi vì tiền thì đóng nhưng lô thì không được nhận để buôn bán. Nguyện vọng hiện nay của bà Cẩm, nếu không được giao lô như đã hứa thì bà mong muốn được nhận lại khoản tiền đã đóng để nhận lô. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân. Thiết nghĩ, vụ việc cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét tổng thể để có cách giải quyết thấu tình đạt lý và đảm bảo sự công bằng xã hội. Ngoài ra, vấn đề không ít lần xảy ra cự cãi, xô xát, hủy hoại tài sản do mâu thuẫn giữa 2 hộ bà Cẩm và ông Phước cần được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết để đảm bảo an ninh trật tự tại chợ và địa phương.
Thanh Trúc