Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài

Cập nhật ngày: 28/07/2017 17:00:35

ĐTO - Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2017, ngày 28/7, tại tỉnh Đồng Tháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN), Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN và Thiếu tướng Lê Tấn Tảo -Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) chủ trì hội thảo.


Đại biểu trung ương và nhiều tỉnh, thành dự hội thảo

Từ đầu năm 2011 đến hết năm 2016, cả nước có hơn 81 ngàn người Việt Nam (nữ chiếm 92%) kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (so với giai đoạn 2005 - 2010, giảm hơn 40 ngàn người).

Trung bình mỗi năm có khoảng 13,5 ngàn người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó tập trung đông là kết hôn với công dân: Đài Loan (thuộc Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, các quốc gia châu Âu,…

Từ đầu năm 2011 - 6/2017, cả nước xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan đến 4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân, trong đó có 447 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân với 927 đối tượng, lừa bán 1.140 nạn nhân.

Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.

Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… Trên 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 70%.

Riêng TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ phát hiện 265 vụ, 700 đối tượng, với 1.395 nạn nhân, trong đó, có 147 vụ việc có dấu hiệu mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 437 đối tượng tham gia, 1.294 nạn nhân.

Nạn nhân thường là những phụ nữ đang trong độ tuổi kết hôn, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế; một số phụ nữ có lối sống thực dụng, hưởng thụ, lười lao động, sống dựa vào người khác, chỉ mong lấy được chồng nước ngoài để được “đổi đời”,…

Nhiều đại biểu Trung ương và tỉnh, thành phố dự hội thảo phát biểu đánh giá cao các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm, nêu lên các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện có hiệu quả hơn trong tinh hình hoạt động của tội phạm mua bán người, trong đó, có môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài diễn biến ngày càng phức tạp.

Thành Nam  

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn