Dân quê lao đao vì công ty đa cấp ngừng hoạt động

Cập nhật ngày: 16/06/2017 10:27:53

ĐTO - Mới đây, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trên phạm vi cả nước. Hiện hàng trăm hộ dân ở vùng nông thôn tỉnh Đồng Tháp vô cùng lo lắng bởi công ty ngừng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc thu hồi vốn của người dân gặp nhiều khó khăn hơn.


Việc chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy và mạng lưới chi nhánh, đại lý khiến nhiều người dân rơi vào tình cảnh đứng ngồi không yên

Ông Nguyễn Phước Tài ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười bày tỏ: “Ban đầu tôi không có ý định tham gia kinh doanh đa cấp, tuy nhiên khi người quen giới thiệu và thuyết phục bằng các khoản hoa hồng, lợi nhuận hấp dẫn nên tôi quyết định mua thử 13 mã (mỗi phiếu mua hàng gọi là mã, trị giá 11,8 triệu đồng). Ngay sau đó để tạo niềm tin, phía công ty cho tôi đi du lịch nghỉ dưỡng ở nơi rất lý tưởng. Thấy quá hấp dẫn, tôi rút tiền tiết kiệm tiếp tục mua thêm hơn 60 mã cho mình và vợ. Tổng cộng 2 đợt mua khoảng hơn 932 triệu đồng và công ty cho tôi làm chức phó phòng”.

Tưởng mọi việc tiến triển thuận lợi, nhưng hơn 2 năm trôi qua, ông Tài chỉ thu được số tiền ít ỏi so với nguồn vốn đầu tư ban đầu. “Khi vô mạng lưới họ sử dụng vốn của mình chu cấp một số phúc lợi cho mình. Lấy vốn của người đi sau rồi bao lại cho người đi trước. Hứa hoàn trả tiền cho mình nhưng cứ hứa lần hứa lượt mãi đến khi công ty tuyên bố ngừng hoạt động thì tôi “chết trân” vì biết mình bị lừa” - ông Tài ngậm ngùi kể.

Lâm vào hoàn cảnh tương tự như ông Tài, bà Trần Thị Lo ngụ xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh cũng chỉ vì những lời “đường mật” bởi những món lời quá béo bở nên đã vay nóng hơn trăm triệu đồng và gom góp hết vốn liếng vợ chồng bà làm ruộng mấy chục năm để đầu tư vào đa cấp. Gia đình bà tin tưởng chắc chắn công ty sẽ hoàn tiền khi tới hạn bà định sử dụng số tiền này để xây nhà nên đã vay nóng trước bên ngoài trên 300 triệu đồng để kịp khởi công đúng kế hoạch. Kết quả là khi đến thời hạn hoàn vốn thì công ty dừng hoạt động. Tiền đầu tư không rút ra được trong khi lãi nợ nóng thì mỗi tháng gần chục triệu đồng, khiến gia đình bà Lo rơi vào tình trạng khốn đốn.

Bà Lo nghẹn ngào: “Cũng vì số tiền này mà gia đình tôi xào xáo. Chồng thì bức xúc chuyện tôi vay tiền nóng cất nhà, còn con gái vì bị tôi la rầy chuyện nó xúi giục tôi đầu tư vào đa cấp đã bỏ nhà đi hơn một tháng nay không rõ tung tích. Giờ người ta siết nợ, nhà thì đang thi công dở dang, tôi như ngồi trên đống lửa chẳng biết phải làm sao. Lúc đưa tiền như “bị bùa bị ngãi”, tối về ngủ ân hận vì đưa tiền cho người ta rồi, không lấy lại được”.


Bà Trần Thị Lo thất thểu vì gia đình rơi vào tình cảnh nợ nần bủa vây, tình cảm gia đình rạn vỡ vì đa cấp

Sau khi nghe tin Công ty Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động, bà Lo, ông Tài cùng hơn 50 người tham gia bán hàng đa cấp tiến hành làm đơn khiếu nại yêu cầu Công ty Thiên Ngọc Minh Uy hoàn trả vốn và được Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn làm thủ tục.

Tuy nhiên, theo ông Hà Bửu Khánh - Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương thì những trường hợp trên chỉ là con số nhỏ trong khoảng 500 người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh những người mạnh dạn làm đơn khiếu nại thì hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân tin tưởng vào những thông tin gây nhiễu như: doanh nghiệp sẽ hoạt động kinh doanh trở lại hoặc nếu người đầu tư tham gia khiếu kiện công ty sẽ không hoàn trả tiền... khiến cho nhiều người tham gia bán hàng đa cấp vẫn lặng im không dám khiếu kiện. Theo Sở Công Thương, đây là những chiêu trò nhằm kéo dài thời gian gây bất lợi cho người đầu tư tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Cũng theo ông Khánh, theo Nghị định 42 ngày 14/5/2014 của Chính phủ và Thông tư 24 ngày 30/7/2014 của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, khi một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động thì thời gian để doanh nghiệp đó thanh toán hợp đồng với các thành viên tham gia là 90 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh có thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó... Do đó, người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp muốn rút lại vốn nên tranh thủ trong thời hạn cho phép phải gửi đơn yêu cầu.

Sau “cơn bão đa cấp” tràn xuống khắp những miền quê, nhịp sống ở vùng quê vốn dĩ bình lặng này đang bị xáo trộn, nhiều gia đình lâm vào cảnh lục đục, bất hòa, mối quan hệ trong gia đình bị rạn vỡ cũng vì “cơn mê đa cấp”.

Thông tin từ Sở Công Thương Đồng Tháp, hiện tại người dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng vào lĩnh vực kinh doanh đa cấp.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn