Đồng Tháp phấn đấu giải quyết căn bản khiếu nại, tố cáo kéo dài
Cập nhật ngày: 19/06/2019 10:07:47
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về kiểm tra, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại tỉnh Đồng Tháp.
Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã rất quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và đặc biệt là các vụ việc tập trung đông người, vượt cấp, phức tạp. Công tác tiếp công dân, kiểm tra, rà soát đơn thư khiếu nại, tố cáo được chủ động thực hiện. Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua được kiểm soát; cơ bản các vụ việc được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không phát sinh các vụ việc phức tạp mới.
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã tiếp công dân thường xuyên và định kỳ với hơn 10.000 lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó có 5 đoàn khiếu nại đông người; tiếp nhận hơn 3.000 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đã xử lý hơn 1.800/3.000 đơn đủ điều kiện; trong đó đã giải quyết được 732/788 vụ việc khiếu nại và 16/17 vụ việc tố cáo.
Mặc dù chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo từng bước được nâng cao nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn diễn biến phức tạp. Đa số các đoàn công dân khiếu kiện phức tạp, đông người liên quan đến những vụ việc cũ, kéo dài nhiều năm, đã được nhiều cơ quan tiếp, đối thoại nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu kiện tại một số dự án có thu hồi diện tích đất lớn như: Dự án khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười; Nông trường Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh; Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông...
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy và chính quyền tỉnh Đồng Tháp cần tập trung xác định rõ mục tiêu từ nay đến hết năm 2020, phấn đấu giải quyết căn bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và hạn chế phát sinh các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người nhằm góp phần đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội phục vụ tốt các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cấp ủy và chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, chấn chỉnh nghiêm những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật; vận dụng tối đa chính sách trên cơ sở quy định của pháp luật để có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc cụ thể, không để tình trạng công dân tập trung khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương; tổ chức đối thoại công khai, làm rõ nội dung còn có ý kiến khác nhau; trao đổi thống nhất tạo sự đồng thuận về hướng giải quyết vụ việc; nếu người khiếu kiện có hoàn cảnh thực sự khó khăn cần xem xét vận dụng chính sách để có biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống, sớm chất dứt khiếu kiện. Nâng cao hiệu quả tiếp công dân, nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực, phấn đấu tỷ lệ trên 90%.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần nghiên cứu kỹ khi vận dụng quy định của pháp luật qua các thời kỳ để tham mưu cho UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai tránh làm lây lan thành “điểm nóng” khiếu kiện đông người. Nếu có vướng mắc thì kịp thời xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh phải đề cao trách nhiệm, trực tiếp đối thoại với người dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Khi công dân kéo ra Hà Nội để khiếu kiện, UBND tỉnh cần phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để có kế hoạch và biện pháp đưa dân về địa phương để giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận về hướng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; đặc biệt đối với vụ việc nổi cộm, Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết thông qua các định hướng cụ thể để UBND tỉnh lập phương án khả thi và xác định rõ lộ trình giải quyết dứt điểm vụ việc.
PV