Kéo giảm số vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên vi phạm pháp luật
Cập nhật ngày: 06/08/2016 06:26:00
ĐTO - Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2016 đến nay tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH) do thanh thiếu niên (TTN) thực hiện đã được kiềm chế, kéo giảm, toàn tỉnh xảy ra 121 vụ, 175 đối tượng tham gia, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 48 vụ, làm chết 4 người, bị thương 36 người, thiệt hại tài sản hơn 3 tỷ đồng. Qua sàng lọc đối tượng vi phạm, có 35 TTN liên quan đến buôn bán, vận chuyển ma túy (bán cho con nghiện kiếm lời). Quản lý đối tượng TTN vi phạm phát luật (VPPL) là việc làm không dễ bởi một số đối tượng không có ở địa phương, không hợp tác khi được mời, không sửa đổi những sai phạm... Hiện nay có 2.285 đối tượng trong diện quản lý; đã giáo dục, thanh loại được 726 đối tượng. Công an tỉnh phối hợp với đoàn thể địa phương tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đối tượng cá biệt, đối tượng có nguy cơ VPPL từ bỏ ý định phạm tội; xác minh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình đối tượng để quản lý giáo dục cảm hóa từng đối tượng cụ thể; ra mắt Câu lạc bộ (CLB) người hoàn lương tại TP.Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự, Tháp Mười, Châu Thành, Lai Vung, Thanh Bình, Tam Nông; hỗ trợ 57 trường hợp vay vốn từ Quỹ tái hòa nhập cộng đồng với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Mô hình rửa xe dành cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tại TP.Cao Lãnh
Cùng với công tác giáo dục cảm hóa đối tượng tại cộng đồng, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo mở 2 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (TTN gây ra 121 vụ, tỷ lệ phá án đạt trên 80%). Cùng với lực lượng Công an, Đoàn TNCSHCM đã quản lý 547 đối tượng TTN VPPL, có nguy cơ VPPL, từ đầu năm đến nay đã thanh loại 12 đối tượng, tiếp tục quản lý, giáo dục các đối tượng còn lại, hỗ trợ việc làm cho 270 thanh niên.
Đáng chú ý là sự ra đời của các mô hình dành cho TTN VPPL như CLB “Hỗ trợ TTN VPPL và có biểu hiện VPPL”, “Thắp sáng niềm tin”, “Rửa xe thanh niên”, “Cà phê pháp luật”; thành lập mô hình phiên tòa giả định, hỗ trợ nghiệp vụ nâng chất lượng hoạt động của các đơn vị trường học trong tuyên truyền phòng, chống TTN VPPL. Tại TP.Cao Lãnh, mô hình Tổ rửa xe thanh niên thí điểm trên đường Nguyễn Thái Học, phường 4, TP.Cao Lãnh (đối diện Công an TP.Cao Lãnh), mỗi ngày tổ rửa xe từ 10 - 20 chiếc, tạo thu nhập khá ổn định cho các thành viên trong tổ.
Trong môi trường giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị trường đã thực hiện hoạt động triển khai ký cam kết học sinh (HS) không vi phạm pháp luật, không để tội phạm, tệ nạn xã hội thâm nhập vào nhà trường, không có người nghiện, sử dụng ma túy, không mại dâm, cờ bạc... đồng thời khuyến khích các đơn vị trường xây dựng quy chế quản lý HS, xây dựng mô hình trường học đảm bảo an ninh trật tự với việc vận động HS, phụ huynh HS, giáo viên tham gia ký cam kết. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã triển khai các mô hình góp phần giáo dục, vận động, cảm hóa TTN VPPL không tái phạm như: CLB Sức sống trẻ, CLB Phụ nữ nhịp sống mới, CLB Phòng, chống tệ nạn xã hội từ gia đình, CLB Tìm hiểu pháp luật phụ nữ, Tổ Phụ nữ không có tệ nạn xã hội... Các cấp tổ hội đã quản lý giáo dục 287 TTN VPPL, có biểu hiện vi phạm, 65 đối tượng có chuyển biến tốt, tạo việc làm cho 44 đối tượng.
Những giải pháp phối hợp giữa các đơn vị đã góp phần kéo giảm số vụ TTN VPPL so với cùng kỳ năm 2015 (giảm 28,40%). Tuy nhiên, hiện nay TTN còn nhận thức pháp luật kém, vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, bỏ học; thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục từ phía gia đình dẫn đến việc sa đà vào tệ nạn xã hội. Một số mô hình còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của TTN. Sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng dành cho đối tượng TTNVPPL vẫn còn, do vậy việc tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều trở ngại. Giải quyết khó khăn này, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn tiếp tục thực hiện các hoạt động phối hợp, hướng đến việc tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, tái hòa nhập ổn định cuộc sống cho các đối tượng TTNVPPL, hoặc có nguy cơ VPPL tại địa phương.
C.Phương