Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Lấy ý kiến đóng góp 4 dự án luật
Cập nhật ngày: 20/09/2017 21:01:27
ĐTO - Sáng 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị Lấy ý kiến góp ý dự án Luật quản lý nợ công và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tham dự hội nghị có Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật
Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý một số vấn đề cần ý kiến đóng góp của đại biểu đối với các dự án Luật.
Về dự án Luật quản lý nợ công, ý kiến đại biểu đồng tình nên quy định một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý về nợ công, theo hướng quy định rõ Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.
Đa số đại biểu có ý kiến không nên đưa khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công mà nên theo nguyên tắc doanh nghiệp tự vay phải tự trả và Bộ Tài chính có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở trả nợ.
Về đối tượng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, theo ý kiến đại biểu quy định đối tượng doanh nghiệp là quá rộng, nên xem lại quy định này.
Đối với đơn vị sự nghiệp công khó có điều kiện tự trả nợ nên cần quy định rõ cơ chế tài chính, mô hình tổ chức, hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp, trách nhiệm quản lý đối với các khoản tự vay, tự trả của đơn vị sự nghiệp.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, nhiều đại biểu có ý kiến nên có quy định cảnh báo sớm các TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức kiểm soát đặc biệt, một số ý kiến cho rằng nên mạnh dạn để các TCTD yếu kém phá sản.
Bên cạnh đó, đại biểu có ý kiến nếu thực hiện việc sáp nhập TCTD mất khả năng thanh toán vào TCTD khác cần xem xét để không ảnh hưởng đến TCTD phải gánh TCTD yếu kém,…
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến các dự án luật
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đóng góp ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), các đại biểu thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án vì tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện gây bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN; bên cạnh đó, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư.
Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật PCTN hiện hành; đồng thời bổ sung làm rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng sau đó qua thông tin báo chí hoặc điều tra phát hiện ra tội phạm tham nhũng.
Về việc bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Đảng vào trong dự án luật, đa số đại biểu có ý kiến không nên đưa vào quy định trong luật vì không phù hợp, chồng chéo và rất khó trong tổ chức thực hiện.
Về đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, theo các đại biểu chỉ nên quy định đối với đối tượng giữ vị trí chủ chốt và cần quy định rõ chế tài xử lý nghiêm khắc khi kê khai gian dối.
Đối với dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ý kiến đại biểu cần quy định rõ tiêu chí thế nào là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và nên quy định là đơn vị trực thuộc trung ương để có cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện đủ lực, đủ mạnh để phát triển kinh tế,…
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tổng hợp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thanh Trúc