Mở rộng, tăng cường công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng
Cập nhật ngày: 27/05/2013 03:53:22
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng có bổ sung thêm 9 điều mới; sửa đổi 15 điều và bãi bỏ 1 điều. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013.
Trong đó, Luật mới đã sửa đổi, bổ sung về hình thức công khai. Cụ thể, trong trường hợp pháp luật không có quy định hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai như niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử.
Ngoài ra, Luật mới cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thêm hình thức công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, Luật mới quy định thêm một số lĩnh vực công khai, minh bạch. Trong đó, bổ sung quy định công khai danh mục các dự án chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế, nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, lý do đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, các nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch bao gồm báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện đề án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.
Luật mới quy định công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời bổ sung thêm quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước; trong quản lý nhà nước về môi trường. Nội dung thực hiện công khai, minh bạch trong các lĩnh vực này tập trung vào điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện quyền của cá nhân, tổ chức.
Trong công tác tổ chức - cán bộ, phải công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ từ tuyển dụng đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí, chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đến nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc trong cơ quan, tổ chức.
Quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân được sửa đổi nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền liên quan đến việc thông báo cho người dân biết khi chưa cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã được công khai nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Về minh bạch tài sản, thu nhập, Luật mới bổ sung quy định công khai bản kê khai tài sản. Theo đó, bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Người có thẩm quyền quản lý CBCCVC quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Trong trường hợp niêm yết thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Luật cũng bổ sung quy định bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại kỳ họp.
Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ khi để xảy ra tham nhũng, khi có căn cứ cho rằng CBCCVC trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với CBCCVC có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý...
Ngoài ra, Luật mới đã chỉnh lý một số quy định cho phù hợp với các luật hiện hành như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Kiểm toán Nhà nước.
Nhật Anh