Mỏi mòn đi đòi quyền nuôi con

Cập nhật ngày: 23/04/2018 10:21:45

ĐTO - Đó là tâm trạng của anh Lâm Vũ Hiểu (SN 1989) ngụ ấp Long Khánh, xã Hòa Long, huyện Lai Vung qua gần 2 năm đòi quyền nuôi con với ba mẹ vợ.


Anh Lâm Vũ Hiểu rất mong muốn nhận lại bé N. để nuôi dưỡng bé nên người

Ra Tòa đòi con

Anh Lâm Vũ Hiểu trình bày, vào cuối năm 2015, do xảy ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình nên vợ anh (chị N.L.T.)nộp đơn ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lai Vung xin ly hôn.

Theo quyết định giải quyết ly hôn, TAND huyện Lai Vung chấp nhận cho chị T. được nuôi con là bé N.. Sau đó, chị T. đưa bé N. về nhà cha mẹ ruột ở xã Hòa Long sinh sống. Tuy nhiên, đến ngày 21/4/2016 chị T. bị tai nạn giao thông tử vong, bỏ lại bé N. cho ông N.V.L. và bà P.T.T. là ông bà ngoại bé trực tiếp nuôi dưỡng.

Anh Lâm Vũ Hiểu cho biết: “Thấy bé thiếu vắng tình thương của ba mẹ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nên tôi muốn nhận bé về nuôi dưỡng. Nhưng ông bà ngoại bé không đồng ý giao cháu nên tôi mới nộp đơn cho Tòa án huyện giải quyết. Tuy ba mẹ vợ tôi cũng rất thương cháu, nhưng phải giao bé N. cho tôi nuôi dưỡng vì đó là con tôi”.

Anh Hiểu đã nộp đơn ra Tòa khởi kiện ba mẹ vợ để đòi lại quyền nuôi con. Bản án sơ thẩm số 54/2016/HNGĐ-ST ngày 1/9/2016 của TAND huyện Lai Vung chấp nhận yêu cầu của anh Hiểu được nuôi dưỡng bé N.; buộc ông L. và bà T. giao bé lại cho anh Hiểu. Đồng thời, yêu cầu phía anh Hiểu và gia đình không được cản trở ông bà ngoại thăm nom, chăm sóc bé.

Sau đó, ông L. và bà T. nộp đơn kháng cáo bản án lên TAND tỉnh Đồng Tháp. Ngày 25/11/2016, TAND tỉnh đã đưa vụ án ra xét xử và giữ nguyên quyết định của TAND huyện Lai Vung. Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh, sau khi mẹ bé mất, tuy ông bà ngoại bé đã chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục bé với điều kiện tốt nhưng không thể thay thế quyền làm cha của anh Hiểu để trực tiếp nuôi dưỡng bé N. như quy định của Luật Hôn nhân gia đình và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Nhùng nhằng trong thi hành án

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, anh Hiểu nộp đơn đến Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Lai Vung yêu cầu thi hành án (THA). Nhưng quá trình THA chậm trễ do phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc.

Đầu tiên, do các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều ghi sai họ của bà ngoại bé N. từ P.T.T. nhầm lẫn thành L.T.T. nên khi Chi cục THADS huyện Lai Vung vào cuộc THA đã vấp phải sự phản ứng từ gia đình bên vợ anh Hiểu.

Đến tháng 9/2017, khi TAND huyện Lai Vung và TAND tỉnh hoàn thành các quyết định sửa chữa, bổ sung bản án đúng tên mẹ vợ anh Hiểu thì việc THA mới triển khai trở lại. Tuy nhiên quá trình THA theo bản án sửa đổi, bổ sung của Chi cục THADS huyện Lai Vung tiếp tục chậm trễ do ông bà ngoại bé N. chưa hợp tác, đồng thời xảy ra nhiều thiếu sót từ Chấp hành viên.

Ngày 5/10/2017, Chi cục THADS huyện ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định THA nhưng gia đình ông L. không giao bé N.. Trong trường hợp này, Chấp hành viên phối hợp với địa phương vận động, nếu không chấp hành thì Chấp hành viên có quyền ra quyết định xử phạt tiền, nếu người bị THA không thực hiện sẽ ra quyết định cưỡng chế THA. Tuy nhiên, Chấp hành viên Mai Phi Hùng- người được Chi cục THADS huyện Lai Vung phân công giải quyết vụ việc đã bỏ qua việc phạt tiền mà ra quyết định cưỡng chế THA với ông L. và bà T. vào ngày 3/11/2017. Do việc cưỡng chế không thực hiện được nên ông Hùng tiếp tục ký các quyết định cưỡng chế THA vào các ngày 27/11 và 5/12/2017.

Thế nhưng đến ngày 29/11/2017, gia đình ông L. và bà T. tiếp tục nhận được quyết định thu hồi các quyết định cưỡng chế THA ngày 27/11 và 5/12/2017 (?) đã được bàn giao trước đó, với lý do quyết định THA có sai sót có thể làm thay đổi nội dung vụ việc. Ông N.V.L. và bà P.T.T. đã gửi đơn đến Tổng cục THADS khiếu nại việc áp dụng biện pháp cưỡng chế THA của ông Hùng. Qua đó, Tổng cục THADS đã yêu cầu Chi cục THADS huyện Lai Vung giải quyết đơn khiếu nại của ông L. và bà T..

Theo ông Lê Quang Đạo - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Lai Vung, đối với nội dung đơn khiếu nại của ông L. và bà T., Chi cục đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Cục THADS tỉnh tiếp tục giải quyết.

Bà P.T.T. cho biết: “Do bé N. còn quá nhỏ, chưa biết vệ sinh và chăm sóc bản thân được nên mong muốn nuôi bé đến 6 tuổi sẽ trả lại cho ba bé nuôi dưỡng chứ không muốn giữ lại để làm gì. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan THA xảy ra nhiều sai sót nên tôi khiếu nại”.

Bà T. cho biết thêm, Cục THADS tỉnh đã ra quyết định xử phạt vợ chồng bà số tiền 3 triệu đồng do không chấp hành THA.

Việc bé N. bị mất mẹ là thiệt thòi lớn đối với bé. Dẫu biết rằng ông bà ngoại bé rất thương và muốn giữ bé nuôi dưỡng thêm một thời gian, nhưng việc làm này là trái với quy định pháp luật, có thể sẽ bị xử lý hình sự. Thiết nghĩ, gia đình ngoại bé cần giao bé lại cho anh Hiểu nuôi dưỡng, chăm sóc. Sau đó, hai bên nội và ngoại cùng nhau hợp sức nuôi dưỡng cho bé nên người, như thế mới là cách giải quyết phù hợp và bé được sống trong tình yêu thương của hai bên gia đình.

Ông Trần Văn Nhàn - Viện Trưởng Viện kiểm sát Nhân dân huyện Lai Vung cho biết: “Việc ra quyết định cưỡng chế THA trong trường hợp này của Chi cục THADS huyện là chưa phù hợp.

Theo quy định của Luật THA, trước khi cưỡng chế, Chấp hành viên phải ra quyết định buộc người THA giao người chưa thành niên cho người được quyền nuôi dưỡng theo bản án hoặc quyết định. Sau đó, phối hợp với chính quyền địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành.

Nếu người đó không giao người chưa thành niên cho người được quyền nuôi dưỡng thì Chấp hành viên sẽ ra quyết định phạt tiền và ấn định thời gian giao người theo quy định. Hết thời hạn đã ấn định mà không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn