Một bạn hàng sáo lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của nông dân
Cập nhật ngày: 02/05/2014 05:29:35
Lê Thị Hết (SN 1963) ngụ khóm 2, phường 1, TP.Cao Lãnh làm nghề mua bán lúa, gạo (bạn hàng sáo) từ năm 1993. Ban đầu Hết mua bán lúa, gạo bằng nguồn vốn tích lũy được. Thời gian đầu, Hết làm ăn có lợi nhuận, nhưng vào các năm 2005, 2008, Hết bị thua lỗ khoảng vài trăm triệu đồng. Nguồn vốn kinh doanh bị thâm hụt, nên Hết vay tiền của người khác với lãi suất cao để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, nhưng quá trình kinh doanh sau đó không mang lại hiệu quả. Đến tháng 9/2011 thì Hết nợ của nhiều người với số tiền khoảng 1 tỷ đồng và hoàn toàn bị mất khả năng thanh toán.
Lợi dụng việc mua lúa thiếu, Lê Thị Hết chiếm đoạt
tiền tỷ của nông dân
Tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh nhằm che giấu việc mất khả năng trả nợ và để có tiền trả nợ các khoản vay đến hạn, Hết đã vay tiền, mượn lúa, mua lúa, gạo thiếu và ứng tiền bán gạo của nhiều người ở các địa phương lân cận. Để nhiều người tin tưởng cho vay tiền, cho mượn lúa bán lúa, gạo thiếu và ứng tiền mua gạo, Hết đã dùng những thủ đoạn gian dối khi vay tiền như: nói dối là để làm vốn mua bán lúa gạo, nhưng khi nhận được tiền thì Hết mang đi trả nợ trước đó; khi mượn lúa, Hết cam kết khi nào người cho mượn cần bán lúa thì Hết sẽ trả tiền theo giá thị trường nhưng sau khi nhận được lúa, Hết đem đi xay thành gạo rồi bán lấy tiền trả nợ cá nhân; lúc mua lúa thiếu thì Hết hứa hẹn trong vòng vài ngày, 1 tuần, 15 ngày hoặc 1 tháng sẽ thanh toán đầy đủ tiền cho người bán, khi nhận được lúa, Hết đem đi xay thành gạo rồi bán lấy tiền trả nợ trước đó. Đến hạn thanh toán, Hết không trả hoặc chỉ trả một phần cho người bán lúa.
Ngoài ra, Hết còn đưa ra nhiều “chiêu” như: khi mua gạo thiếu, Hết nói là cần có gạo gấp để giao cho khách hàng và hẹn 2 ngày sau sẽ thanh toán tiền đầy đủ, sau khi nhận được gạo Hết đem đi bán lấy tiền trả nợ cho người khác, không trả cho người bán; mặc dù không có gạo nhưng Hết vẫn thỏa thuận bán gạo cho người khác với điều kiện là người mua phải trả tiền trước, Hết sẽ giao gạo sau, nhưng đến hạn, Hết không giao gạo cho người mua.
Do nguồn tiền vay và tiền thu được từ việc mua bán lúa, gạo Hết dùng vào việc trả nợ xoay vòng và chi phí cho sinh hoạt gia đình nên đến tháng 10/2012 thì Hết bị vỡ nợ và bỏ địa phương đi nơi khác để tránh mặt các chủ nợ. Khi biết tin Hết bỏ trốn, những người bị hại đã làm đơn tố cáo Hết với Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Cao Lãnh. Sau đó, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Thị Hết về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp (PC45) để điều tra theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra đã chứng minh được từ tháng 4/2012 đến tháng 10/2012, Lê Thị Hết đã mua thiếu của 27 người tổng cộng 265.079,4kg lúa, với số tiền gần 1,7 tỷ đồng nhưng chỉ thanh toán chưa đến 359 triệu đồng và chiếm đoạt gần 1,3 tỷ đồng; mua gạo thiếu của 1 người với 8.050kg, số tiền 84,5 triệu đồng, không thanh toán, chiếm đoạt 84,5 triệu đồng; vay của 4 người với số tiền 510 triệu đồng, đóng lãi được 58,8 triệu đồng, chiếm đoạt 451,2 triệu đồng; mượn lúa của 1 người với số lượng 5.771,4kg trị giá 35.782.000 đồng, chỉ trả được 2 triệu đồng, chiếm đoạt 33.782.680 đồng; nhận trước tiền mua gạo của 2 người với số lượng 9.750kg gạo, đã nhận 88,3 triệu đồng nhưng chỉ giao được 2.150kg gạo trị giá 19.590.000 đồng, chiếm đoạt 68.710.000 đồng.
Tổng cộng Hết đã chiếm đoạt của 35 người với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (chỉ tính riêng trong tháng 10/2012, trước khi vỡ nợ, Hết mua lúa của 13 người với số lượng 99.733kg thành tiền 660.887.700 đồng nhưng chỉ thanh toán 129.148.000 đồng, chiếm đoạt 531.739.700 đồng). Hành vi trên của bị can Lê Thị Hết đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật hình sự.
Dũng Chinh