Một quyết định gần 4 năm chưa được thực thi

Cập nhật ngày: 09/08/2013 06:08:18

Ngày 3/11/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 469/QĐ-UBND-NĐ giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Võ Quang Trung và bà Đàng Thị Hơn. Tuy nhiên, đến nay đã qua thời gian gần 4 năm quyết định này vẫn chưa được các cơ quan chức năng thị xã Sa Đéc thực thi.


Ông Trung mòn mỏi bên xấp đơn thư khiếu nại
chưa được giải quyết

Chỉ 2m2 đất, 4 năm giải quyết không xong

Nhà ông Võ Quang Trung nằm sâu trong con hẻm thuộc khóm 1, phường 2 (TX.Sa Đéc), muốn vào nhà ông phải đi ngang qua nhà vệ sinh và hầm cầu của gia đình bà Hơn đang sử dụng. Nằm dưới cầu thang bên cạnh cửa ra vào, hầm cầu của bà Hơn trải qua hàng chục năm sử dụng đang xuống cấp trầm trọng, mùi hôi thối theo gió sộc thẳng vào nhà ông Trung làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống của gia đình.

Ông Trung bức xúc: “Đã nhiều năm nay gia đình tôi phải sống chung với mùi hôi thối này. Vào giờ cơm, mùi hôi làm gia đình tôi nuốt không trôi”. Ông Trung đã gởi đơn đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến nay đã trải qua nhiều năm, tốn biết bao nhiêu công sức, tiền của để nhờ các cơ quan giải quyết nhưng vẫn không xong.

Căn nhà của ông Võ Quang Trung trước đây do Ty Văn hóa Thông tin quản lý có diện tích 43,32m2 (diện tích có cầu thang) được UBND tỉnh hóa giá năm 1993.

Còn phần đất và nhà ở của bà Đàng Thị Hơn đang quản lý sử dụng có nguồn gốc của ông Trần Thanh Tân được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh hóa giá. Năm 1990, ông Tân chuyển nhượng cho ông Đàng Văn Nưng. Năm 1993, ông Nưng lập hồ sơ, thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 74m2 (không có phần diện tích nhà vệ sinh). Năm 2005, ông Nưng chuyển nhượng lại cho em ruột là bà Đàng Thị Hơn, bà Hơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 68,3m2 (diện tích giảm do bị trừ phần diện tích đất vỉa hè đường Phan Bội Châu).

Tuy nhiên, năm 2006, khi ông Trung yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có công trình phụ là cầu thang của ông Trung thì bà Hơn đứng ra tranh chấp. Vì bà Hơn cho rằng diện tích này có nhà vệ sinh của gia đình bà.

Ngày 11/7/2007, UBND TX.Sa Đéc ban hành quyết định giữ nguyên hiện trạng cầu thang và nhà vệ sinh. Ông Trung và bà Hơn có trách nhiệm xây dựng các công trình này trong phạm vi nhà ở, diện tích đất đã được cơ quan thẩm quyền công nhận sau khi các công trình này xuống cấp, hết tuổi thọ sử dụng. Đồng thời bác đơn yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất của ông Trung và bà Hơn. Bà Đàng Thị Hơn tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh.

Qua kết quả phúc tra và kết luận tại cuộc họp giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của ông Võ Quang Trung và bà Đàng Thị Hơn, ngày 3/11/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 469/QĐ-UBND-NĐ hủy quyết định của UBND TX.Sa Đéc, đồng thời công nhận quyền sử dụng đất gắn liền công trình phụ là cầu thang cho ông Võ Quang Trung quản lý sử dụng. Buộc bà Đàng Thị Hơn tháo dỡ, di dời nhà vệ sinh, giao phần đất trên cho ông Võ Quang Trung. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND TX.Sa Đéc tổ chức thi hành quyết định này, Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.

Từ khi Quyết định 469 của UBND tỉnh ban hành, UBND TX.Sa Đéc và bà Đàng Thị Hơn không có động thái nào để thực thi quyết định này. Để trì hoản việc thực thi, tháng 11/2011, bà Đàng Thị Hơn lại tiếp tục khiếu kiện quyết định của UBND tỉnh ra Tòa án tỉnh Đồng Tháp.

Theo quy định pháp luật, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh là quyết định giải quyết sau cùng và có hiệu lực pháp luật cần được cơ quan chức năng là UBND TX.Sa Đéc tổ chức thi hành. Còn việc bà Đàng Thị Hơn khởi kiện hành chính UBND tỉnh và vụ kiện chưa được thụ lý xét xử không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 năm nhưng UBND TX.Sa Đéc vẫn không thực hiện. Thanh tra tỉnh cũng không theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quyết định này như thế nào...

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp?

Quyết định 469 đã được UBND tỉnh giải quyết một cách rất công minh, dựa trên kết quả phúc tra rõ ràng, cụ thể được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, bà Đàng Thị Hơn là một người có nhiều “thế lực”, có lẽ vì những “thế lực” này mà gần 4 năm qua TX.Sa Đéc chần chừ không thực thi Quyết định 469 của UBND tỉnh. Cách làm này thể hiện hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương còn yếu kém.

Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉnh Đồng Tháp đứng vào thứ hạng rất thấp về chỉ số PAPI, năm 2012 đứng thứ 50/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là bộ chỉ số đo lường mức độ hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý và cung cấp dịch vụ công dựa vào cảm nhận và trải nghiệm của người dân tại địa phương, do Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ - Phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc phối hợp triển khai thực hiện. Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu khá toàn diện, khách quan về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Để nâng cao chỉ số PAPI, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan đề nghị các ngành, các cấp cần rà soát lại các tiêu chí thành phần, qua đó xác định những hạn chế, yếu kém để có kế hoạch khắc phục. Trong đó, người đứng đầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đặc biệt là việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc của người dân.

Đây là vấn đề rất quan trọng và lâu dài, cần sự tham gia vào cuộc thực sự với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở để người dân cảm nhận được chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.

TP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn