Một số quy định mới có hiệu lực từ tháng 1/2021

Cập nhật ngày: 04/01/2021 13:19:07

ĐTO - Từ tháng 1/2021, nhiều chính sách pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Trong  đó, có các chính sách được áp dụng như: tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; chính thức cấm dịch vụ đòi nợ thuê; hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân;...

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, năm 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường với lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Luật Đầu tư 2020 đã đưa hoạt động “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Kể từ ngày 1/1/2021, dịch vụ đòi nợ chính thức được chuyển vào danh mục ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, Luật Đầu tư 2020 quy định hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 có một số nội dung đáng chú ý như: quy định hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Luật quy định 7 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội từ ngày 1/1/2021. Cụ thể, đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (quy định mới được bổ sung); Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm...

Luật Thanh niên 2020 xác định rõ 7 nguyên tắc để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Theo đó, quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên. Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương. Việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Nghị định 143 ngày 10/12/2020 của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ ngày 23/1/2021, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108 ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113 ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108. Trong đó, Nghị định 143 sửa đổi quy định về các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn