Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng
Cập nhật ngày: 03/08/2020 16:17:17
ĐTO - Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an về PCTN, Công an tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp công tác PCTN trong lực lượng Công an tỉnh; kiện toàn bộ máy, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác PCTN; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN...
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng được cấp ủy, các ngành chức năng luôn quan tâm, chỉ đạo phòng, chống; công tác nắm tình hình, phối hợp giữa các lực lượng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng được thực hiện thường xuyên. Ý thức của quần chúng Nhân dân ngày được nâng cao, góp phần PCTN ở địa phương.
Qua đó, công tác này đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã điều tra, xư lý 5 vụ/6 bị can, tổng số tài sản thiệt hại hơn 8,7 tỷ đồng, đã thu hồi tiền và tài sản trên 5,9 tỷ đồng. Điển hình như vụ thủ quỹ Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bầu cử, khen thưởng gây thiệt hại số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Hay như vụ thủ quỹ Phòng Giao dịch khu vực I Tháp Mười thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười có hành vi chiếm đoạt của đơn vị số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác PCTN còn một số hạn chế, khó khăn như tội phạm tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có am hiểu pháp luật, quan hệ rộng; một số người có công đóng góp cho xã hội, có uy tín với quần chúng... nên được tin tưởng, bảo vệ, rất khó phát hiện và xử lý. Một số cơ quan, tổ chức khi phát hiện hành vi tham nhũng xảy ra ở đơn vị đã tự giải quyết, không báo với cơ quan chức năng hoặc chỉ báo khi không giải quyết được nên khó khăn trong công tác thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
Theo Chi hội Luật gia Công an tỉnh, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là cần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình tội phạm tham nhũng, tập trung các lĩnh vực, ngành nghề có thể xảy ra tội phạm này. Song song đó, nganh công an quản lý chặt địa bàn; đặc biệt tập trung vào các Chương trình mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh, chú ý đến những cán bộ, công chức có liên quan đến các vụ vỡ nợ để chủ động có biện pháp phòng ngừa.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đặc biệt có giải pháp quản lý chặt các ngành, lĩnh vực đã dự báo có khả năng xảy ra tiêu cực, tham nhũng; kiên quyết điều tra xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng khi phat hiện. Đồng thời thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời Công an các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật trong điều tra xử lý tội phạm và các hành vi tham nhũng tại các địa phương, nhất là các vụ việc có dư luận quần chúng bức xúc.
Nhật Anh