Ngành Tư pháp hoàn thành 66/114 nhiệm vụ

Cập nhật ngày: 13/07/2019 14:55:55

Ngày 12/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2019. Thông tin tại hội nghị cho thấy, toàn ngành Tư pháp tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành và các nhiệm vụ theo chương trình hành động của ngành. Theo đó, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ.


Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được chú trọng, nâng cao; các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền hơn 6.450 VBQPPL. Qua kiểm tra, phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền, 66/122 văn bản đã được xử lý.

Bộ Tư pháp mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 51 tỉnh, thành phố. Đến nay, Hệ thống ghi nhận hơn 7,9 triệu hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó có hơn 2,3 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp Số định danh cá nhân; có hơn 16 triệu thông tin công dân đã được thu thập. Bộ Tư pháp còn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch vào Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương để triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long đề nghị các đơn vị thuộc bộ, tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch đã được ban hành. Đồng thời, cần tập trung thêm một số nội dung như xây dựng luật, pháp lệnh, cần lưu tâm hơn tới chất lượng và thời hạn của các hồ sơ trình cũng như nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ pháp chế các bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác thẩm định VBQPPL.

Bộ trưởng lưu ý đến vấn đề đảm bảo quản lý nhà nước về công chứng, trong đó tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động này để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng Công chứng thành lập ồ ạt.

DƯƠNG CẦM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn