Những quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai

Cập nhật ngày: 10/06/2024 16:50:44

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240610045138dt2-4.mp3

 

ĐTO - Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, tăng 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013 (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương), trong đó sửa đổi, bổ sung 180 điều; bổ sung mới 78 điều, bỏ 30 điều (do gộp 13 điều; bỏ 13 điều và tách 4 điều).


Nhân dân được tạo điều kiện sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững

Trong đó, Nhà nước quy định cụ thể chính sách khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai như: nâng cao hiệu quả sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; xử lý đất, đất có mặt nước bị ô nhiễm, phục hồi đất bị thoái hóa; lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy định của Luật này; tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất, phát triển công trình ngầm; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường (Theo quy định Điều 8).

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai bao gồm: lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai; vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai; không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật; không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Ngoài ra, còn có những hành vi bị nghiêm cấm khác như: sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai (Theo quy định Điều 11).

Quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai được quy định cụ thể trong Luật Đất đai năm 2024. Để bảo đảm thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, Luật Đất đai năm 2024 quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai như: quyền quyết định của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai, điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, điều tiết nguồn thu từ đất; quy định quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.

Luật Đất đai năm 2024 làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất.

Đặc biệt, Điều 16 của Luật tiếp tục khẳng định, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Luật Đất đai năm 2024 bổ sung 1 mục quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai nhằm thể chế quan điểm của Đảng về “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; Nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững”. Theo đó, quyền của công dân đối với đất đai được quy định cụ thể như: tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai; quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

Cùng với đó, tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này (Theo quy định Điều 23).

Quyền tiếp cận thông tin đất đai cũng được quy định cụ thể là công dân được tiếp cận các thông tin đất đai như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; thủ tục hành chính về đất đai; văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật (Theo quy định Điều 24).

Cùng với đó, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai cũng được quy định rõ ràng như: chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai; giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất; tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác (Theo quy định Điều 25)...

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn