Phải chờ đến bao giờ?
Cập nhật ngày: 07/04/2014 03:46:00
Mặc dù bên phải thi hành án (THA) có tài sản để thi hành nhưng việc THA vẫn bị kéo dài. Qua thời gian gần 2 năm chờ đợi với nhiều lần yêu cầu, khiếu nại nhưng việc THA vẫn chưa được giải quyết.
Ông Công trình bày nỗi niềm bức xúc trong việc thi hành án
Năm 2011, vợ chồng ông Trần Thanh Long, Nguyễn Thị Diễm và bà Trần Thị Sáu (mẹ bà Diễm) vay của ông Nguyễn Thành Công (cùng ngụ xã Định Hòa, huyện Lai Vung) số tiền 100 triệu đồng, lúc đó có đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do bà Trần Thị Sáu đứng tên để thế chấp. Tiếp theo đó, ông Long, bà Diễm vay tiếp của ông Công 50 triệu đồng nhưng không có thế chấp tài sản. Sau đó, ông Long bà Diễm và bà Huỳnh Thị Nhành vay của ông Công 50 triệu đồng có thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ của bà Huỳnh Thị Nhành. Vì không được trả lại các khoản tiền cho vay, ông Công đã khởi kiện ra tòa án.
Theo quyết định của bản án phúc thẩm số 113 ngày 22/6/2012 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, vợ chồng ông Trần Thanh Long, Nguyễn Thị Diễm và các ông, bà gồm Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Ao, Nguyễn Văn Điểm (là những người thừa kế của bà Trần Thị Sáu) có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho ông Công số tiền tổng cộng vốn lãi là hơn 112 triệu đồng; buộc ông Long, bà Diễm có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho ông Công số tiền cả vốn lãi hơn 55 triệu đồng; buộc ông Long, bà Diễm và bà Huỳnh Thị Nhành có nghĩa vụ liên đới hoàn trả ông Công số tiền vốn lãi hơn 54 triệu đồng.
Sau khi ông Nguyễn Thành Công có đơn yêu cầu THA, ngày 11/7/2012 Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Lai Vung đã ra quyết định THA theo đơn yêu cầu của ông Công. Thế nhưng cho đến nay ông Công vẫn chưa được THA dù bên có nghĩa vụ THA có tài sản để thi hành. Theo trình bày của ông Công, ông được chấp hành viên Chi cục THADS huyện Lai Vung cho biết các giấy chứng nhận QSDĐ của ông Long, bà Diễm đều đã thế chấp ngân hàng nên sẽ phát mãi ưu tiên giải quyết nợ cho ngân hàng. Ông yêu cầu đưa 2 QSDĐ của bà Trần Thị Sáu trước đây và bà Huỳnh Thị Nhành phát mãi để THA cho ông nhưng không được giải quyết.
Bức xúc với việc THA, ông Nguyễn Thành Công đã có đơn khiếu nại đến Cục THADS tỉnh. Sau đó, ông Công nhận được công văn ngày 16/8/2013 của Cục THADS cho biết là đã chuyển đơn khiếu nại của ông về Chi cục THADS huyện Lai Vung để giải quyết theo thẩm quyền. Sau đó, đến ngày 4/11/2013, chấp hành viên phụ trách vụ việc ra quyết định cưỡng chế kê biên 2 QSDĐ của các ông, bà Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Ao, Nguyễn Văn Điểm (những người thừa kế của bà Trần Thị Sáu) và bà Huỳnh Thị Nhành để THA.
Lại chờ đợi được THA rồi vẫn không thấy tiến triển gì, ông Công tiếp tục khiếu nại đến Chi cục THADS huyện. Đến ngày 5/3/2014, ông Công nhận được công văn trả lời của Chi cục THADS huyện Lai Vung. Theo đó thì qua xác minh tài sản của ông Long, bà Diễm đang thế chấp vay tiền tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh An Giang, số tiền nợ gốc là 500 triệu đồng. Chi cục THADS huyện đã kê biên 9 QSDĐ của ông Long, bà Diễm. Sau 6 lần giảm giá, đến ngày 14/6/2013 đã bán đấu giá thành 2 QSDĐ và căn nhà trên đất với số tiền hơn 225 triệu đồng. Ngân hàng chưa thống nhất với Chi cục về việc giao giấy chứng nhận QSDĐ để lập thủ tục chuyển nhượng QSDĐ cho người mua trúng đấu giá với lý do chưa thanh toán đủ tiền trả nợ ngân hàng.
Hiện nay, Chi cục THADS huyện Lai Vung không tiếp tục giảm giá tài sản của ông Long, bà Diễm để THA bởi vì không đảm bảo cho việc trả nợ ngân hàng và chi phí phát sinh, ngân hàng cũng không đồng ý việc bán tài sản mà không thu hồi đủ số tiền đã cho vay và lãi suất phát sinh cho ngân hàng.
Với nội dung trả lời như trên, Chi cục THADS huyện Lai Vung không nói gì đến 2 QSDĐ trước đây đã cưỡng chế kê biên để THA cho ông Công theo bản án phúc thẩm số 113 ngày 22/6/2012 của TAND tỉnh, cũng là điều mà ông Công bức xúc khiếu nại yêu cầu thi hành.
Ngoài ra, ông Công còn trình bày những nỗi niềm bức xúc khác như từ tháng 8/2011, ông đã khởi kiện ông Long, bà Diễm và có đề nghị ngăn chặn không cho ông Long, bà Diễm chuyển dịch tài sản là bất động sản nhưng không được tòa án áp dụng. Sau khi TAND huyện Lai Vung đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm, quyết định buộc ông Long, bà Diễm trả tiền cho ông thì sau đó ông Long bà Diễm đã đem thế chấp các QSDĐ và nhà để vay tiền ngân hàng mà không trả tiền cho ông.
Vậy mà nay cơ quan THA kê biên các tài sản trên thì ngân hàng được ưu tiên giải quyết nợ, còn ông thì không được? Còn 2 QSDĐ đã kê biên để THA cho ông sao không đưa ra phát mãi để thi hành? Vì sao hiện nay có người đăng ký mua tài sản phát mãi thì cán bộ cơ quan THADS trả lời là không bán? Nếu việc THA cứ bị kéo dài như vậy thì ông còn phải chờ đợi đến bao giờ nữa mới được giải quyết những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình? Thiết nghĩ, cơ quan THADS cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết việc THA trên nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân, cũng như sự công bằng xã hội.
Nhật Anh