Thực hiện Luật Quốc phòng gắn với quy hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Cập nhật ngày: 22/08/2016 16:23:39
ĐTO - Qua 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng (2006 - 2015), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến quốc phòng. Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình hành động gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại với xây dựng, củng cố nền quốc phòng an ninh chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Xây dựng cơ sở hạng tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh
Trong đó, chú trọng duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết với chính quyền 2 tỉnh Prây-Veng và Ban-Tia-Miêng-Chay (Vương quốc Campuchia). Lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Tháp và Prây-Veng ký văn bản thỏa thuận hợp tác thường niên trên các lĩnh vực nhằm tăng cường tình hữu nghị đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân dọc tuyến biên giới 2 nước. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với sở, ngành liên quan làm tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập quy hoạch, xây dựng các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng an ninh, triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ cấp trên giao hàng năm, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị ban hành chương trình, chỉ tiêu, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Quân sự cùng cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực quốc phòng an ninh cũng như triển khai nhân rộng các mô hình hoạt động đạt hiệu quả. Đặc biệt, qua 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai thực nhiều nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh.
Điển hình như xây dựng đề án quy hoạch dân cư gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, trong đó chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân các xã vùng sâu, khu vực biên giới; quy hoạch xây dựng các cụm, tuyến dân cư ở các huyện đầu nguồn, xã vùng sâu nhằm hạn chế thiệt hại trong mùa mưa lũ, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông nông thôn, góp phần đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại cũng như tuần tra, kiểm soát trật tự xã hội ở khu vực biên giới.
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cũng triển khai nhiều biện pháp thu hút đầu tư nhiều nguồn trong và ngoài nước, nhất là phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ và xuất khẩu; xây dựng và phát triển các cụm, khu công nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động tại địa phương; quan tâm xây dựng mở rộng hệ thống giao thông nông thôn nhằm tạo điều khiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi giao thương hàng hóa trực tiếp giữa người đầu tư sản xuất với ngành thương mại, qua đó nâng cao lợi nhuận phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Nhìn chung, Luật Quốc phòng có chức năng điều chỉnh toàn diện nội dung của các bộ luật khác có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động của các cơ quan tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang, quyền và nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật Quốc phòng cũng đảm bảo được tính phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam với các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để hội nhập quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
DŨNG CHINH