Tình hình khiếu nại, tố cáo không nhiều và không phức tạp

Cập nhật ngày: 14/11/2016 11:08:12

ĐTO - Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết 15 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền. Trong đó 5 đơn khiếu nại lĩnh vực nhà, đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991; giải quyết 10 vụ (khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND các cấp đối với việc xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng). Đã giải quyết 1 vụ tố cáo, không có vụ phức tạp kéo dài.

Tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ trước đến nay tuy có diễn ra nhưng không nhiều và không phức tạp; các đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh chủ yếu tập trung vào nội dung người dân đòi lại nhà, đất do Nhà nước quản lý, sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991; các đơn khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đều thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã và được giải quyết dứt điểm từ cơ sở.

Riêng giai đoạn từ năm 2013 đến nay, có trường hợp con, cháu của những người khiếu nại trước đây, tiếp tục đòi lại nhà, đất do Nhà nước quản lý, sử dụng theo chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, đối với các trường hợp này, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp rà soát chặt chẽ và trả lời khiếu nại theo quy định của pháp luật, tuy nhiên có 1 trường hợp vẫn tiếp tục khiếu nại đến cấp cao hơn.

Nguyên nhân phát sinh khiếu nại trên là do một bộ phận người dân chưa nắm rõ những quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến nhà, đất do Nhà nước quản lý, sử dụng; một số trường hợp khiếu nại để mong muốn nhà nước có chính sách giải quyết, bồi thường, chủ yếu nhằm mục đích kinh tế.

Riêng việc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng, thường xảy ra khi xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng (theo quy định tại điểm a khoản 7, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ), vì đất không được phép xây dựng chưa được quy định cụ thể, nhưng mức phạt tiền đối với hành vi này khá cao, trong khi đó, nếu xây dựng công trình trên đất thuộc các trường hợp theo quy định của Nghị định số 102/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (tự ý chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; lấn, chiếm đất...) thì mức phạt tiền thấp, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình Chính phủ khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, có quy định cụ thể hơn về hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, tránh trùng lắp với các hành vi vi phạm hành chính được quy định ở các Nghị định khác về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan, để quá trình xử lý đảm bảo tính công bằng, thống nhất về chính sách, nhằm hạn chế khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

TP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn