Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

Tổng kết Luật tổ chức Quốc hội và Luật hoạt động giám sát Quốc hội

Cập nhật ngày: 22/08/2013 14:24:04

Ngày 22/8/2013, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; ĐBQH các khóa XI, XII và XIII. Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 đã có hiệu lực gần 3 nhiệm kỳ Quốc hội, qua mỗi nhiệm kỳ, tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và bộ máy giúp việc của Quốc hội không ngừng được củng cố, kiện toàn, từng bước ổn định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động thực tiễn.

Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh về cơ cấu tổ chức qua 3 khóa Quốc hội đều bố trí Trưởng Đoàn kiêm nhiệm là Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy và 1 ĐBQH chuyên trách là Phó Trưởng Đoàn được Trưởng Đoàn ủy nhiệm thực hiện phần lớn các hoạt động của Đoàn. Tùy mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh có từ 1 đến 3 đại biểu Trung ương.

Qua thực tế thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật tổ chức Quốc hội có một số hạn chế như chưa quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa Đoàn ĐBQH với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương; không quy định bắt buộc Phó Trưởng Đoàn ĐBQH phải là đại biểu chuyên trách gây khó khăn cho hoạt động của những Đoàn ĐBQH bố trí Phó Trưởng Đoàn kiêm nhiệm…

Về Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, qua 10 năm thực hiện, hoạt động giám sát của Quốc hội được đẩy mạnh, chất lượng, hiệu lực được nâng lên. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, thi hành pháp luật của tổ chức, cá nhân… Đối với hình thức giám sát chuyên đề, trong nhiều năm qua, ngoài việc tham gia cùng Đoàn giám sát của các cơ quan Quốc hội về làm việc tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh còn chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức được 16 cuộc giám sát, bám sát những chuyên đề theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.


Ý kiến đại biểu cho rằng cần tăng cường ĐBQH chuyên trách
là người địa phương và tăng số ĐBQH tái cử

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến về vấn đề thẩm quyền giám sát và địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH trong việc thực hiện vai trò là chủ thể giám sát; công tác phối hợp giám sát, khảo sát giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND; vai trò của ĐBQH trong việc thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng cần tăng cường ĐBQH chuyên trách là người địa phương và tăng số ĐBQH tái cử để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh...

Qua hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật như xác định rõ hơn địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, gắn chức danh ĐBQH chuyên trách với Phó Trưởng Đoàn ĐBQH; mối quan hệ giữa Đoàn ĐBQH với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương; quy định rõ ràng, tách bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của 2 chủ thể là Đoàn ĐBQH và ĐBQH; tăng cơ cấu và chất lượng ĐBQH chuyên trách trong các cơ quan Quốc hội và Đoàn ĐBQH.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng xác định rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội; thẩm quyền giám sát của các chủ thể; trình tự, thủ tục tiến hành giám sát, hậu quả pháp lý sau giám sát, quy trình, thủ tục về chất vấn và trả lời chất vấn…

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn