5 lý do có thể dẫn tới xung đột Mỹ - Trung

Cập nhật ngày: 16/01/2014 09:01:48

Báo Malaysia The New Strait Times vừa có bài viết nêu 5 lý do chính có thể khơi dậy cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Tàu sân bay Mỹ hiện diện thường trực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương 
 Ảnh: US Navy

Theo tác giả bài báo Evan N. Resnick, lý do thứ nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục (từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1978) gây mối quan ngại lớn đối với Mỹ.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và GDP của nước này có khả năng vượt Mỹ trong thập kỷ tới. Thêm nữa, Trung Quốc dư dả tiền bạc hơn để hiện đại hóa quân đội.

Theo Resnick, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng trung bình 10,3%/năm trong giai đoạn 2001-2011. Năm 2012, ngân sách quốc phòng lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Với tư cách cường quốc trỗi dậy, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường an ninh tối đa, khuếch trương ảnh hưởng của mình và kiểm soát các khu vực xung quanh.

Resnick
nhấn mạnh chính sách mở rộng những yêu sách về chủ quyền và việc Trung Quốc gia tăng nỗ lực hăm dọa những đối thủ trong khu vực trong bối cảnh này.

Thứ hai, chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương hay chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể dẫn tới leo thang căng thẳng và một cuộc chiến tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này.

“Nhà Trắng không chỉ tăng cường triển khai binh lực tại Úc, Hàn Quốc, Philippines và Singapore mà còn xây dựng quan hệ quân sự với hàng loạt đối tác khác trong vùng như Ấn Độ, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Myanmar…”, ông Resnick nhận xét.

Lợi ích sống còn

Thứ ba, những cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh châu Á sẽ cổ vũ và khuyến khích các nước này cứng rắn hơn trong việc đối phó Trung Quốc.

“Kể cả khi không có chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, chắc chắn rằng, Trung Quốc vẫn sẽ thách thức đáng kể môi trường an ninh. Trung Quốc nổi lên vị thế cường quốc trong khu vực mà ở đó không chỉ có sự thống trị quân sự Mỹ, mà còn có mặt đông đảo đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ.

Rensnick cho rằng, lý do thứ tư là nhiều quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa vào sự bảo vệ quân sự của Mỹ, trong khi lại dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế.

“Ngoại giao đa phương và những tranh chấp chủ quyền đang khuấy động Đông Á sẽ trở thành vấn đề nổi bật và đáng quan ngại hơn đối với Trung Quốc hơn là đối với Mỹ. Hậu quả là chúng sẽ tác động nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Trung Quốc hơn Mỹ”, Rensnick nhận định.

Cuối cùng, Resnick cho rằng, cả Bắc Kinh và Washington đều chưa thiết lập các quy tắc có thể điều hòa cuộc cạnh tranh địa chính trị hết sức gay gắt. Theo Resnick, để tránh chiến tranh thế giới lần thứ ba, giới quyết sách ở Bắc Kinh cần phải nhận thức rõ rằng, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang nghiêng mạnh về phía chống Trung Quốc. Họ cần hiểu rằng, Trung Quốc sẽ hứng chịu thất thế trong bất cứ cuộc chiến nào, phát động chống Mỹ hay các cường quốc khu vực khác.

Tác giả bài báo trên The New Strait Times gợi ý: “Giới quyết sách Mỹ cần thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và tình trạng mất an ninh đòi hỏi một cách hành xử thận trọng hơn, giảm bớt sự áp đặt của Mỹ tại khu vực ngày càng cho thấy những lợi ích sống còn của Mỹ ở đó”.

Gần 60% tàu ngầm chiến lược Mỹ hoạt động ở châu Á-TBD

Tạp chí Nhà khoa học hạt nhân (Mỹ) số ra ngày 11/1 đưa tin, gần 60% số tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ đang hoạt động trên Thái Bình Dương. Trong tổng số 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo tuần tiễu tại các vùng biển quốc tế trên khắp thế giới, có 8 chiếc thường trú tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 6 chiếc ở Đại Tây Dương. Tất cả tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ đều được trang bị tên lửa đạn đạo Trident II D5 tầm bắn 7.840 km. Mỗi tên lửa có thể mang 3-5 đầu đạn hạt nhân.

Theo TPO, The New Strait Times

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn