Bê bối "dầu ăn thối" lan rộng: "Thủ phạm" bị phạt hơn 1,6 triệu USD

Cập nhật ngày: 10/09/2014 09:06:19

Chính quyền đảo Đài Loan ngày 9/9 đã tuyên bố phạt công ty cung ứng thực phẩm bị cáo buộc bán “dầu ăn thối” số tiền 50 triệu Đài tệ, tương đương 1,67 USD, trong bối cảnh hơn 1200 nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm thừa nhận đã sử dụng dầu ăn bẩn.


Nhiều tiệm bánh tại Đài Bắc đang đối diện với dòng người tới đòi trả lại hàng


Vụ bê bối dầu ăn được tái chế từ dầu thải được thu gom hiện đã không chỉ bó hẹp trong phạm vi Đài Loan mà lan sang cả Hồng Kông và Macau, khiến người dân tại hai khu vực này lo sợ.

Mức phạt nêu trên được chính quyền thành phố Cao Hùng đưa ra áp dụng đối với công ty Chang Guann Co., vốn bị phát hiện đã mua hơn 200 tấn dầu ăn bẩn về để tái chế và pha lẫn vào các sản phẩm khác.

“Chang Guann hiện đã bị phạt 50 triệu Đài tệ (1,67 triệu USD) vì bán các sản phẩm mỡ lợn chất lượng kém trái phép”, sở y tế của thành phố này khẳng định trong một thông báo.

Các nhà điều tra đã phát hiện, trong vòng 6 tháng tính từ tháng 2 tới nay, Chang Guann nhập 243 tấn dầu bẩn – được thu gom từ các nồi, chảo và thiết bị lọc mỡ khỏi nước thải – từ Kuo Lieh-cheng và trộn lẫn với mỡ lợn để bán cho khách hàng tại khắp nơi. Tổng cộng đã có 782 tấn dầu ăn loại này được sản xuất.

Kuo, 32 tuổi, chủ sở hữu một xưởng chế biến bất hợp pháp tại Pingtung, chính là nghi phạm hàng đầu trong vụ bê bối, và đã bị bắt giam để điều tra. 5 người khác có dính líu tới vụ việc cũng bị thẩm vấn nhưng được bảo lãnh tại ngoại.

Bà Yang Wan-li, người phát ngôn của văn phòng công tố tòa án quận Pingtung khẳng định với hãng tin AFP rằng, tài sản của Kuo và một phó chủ tịch của Chang Guann đã bị phong tỏa với nghi ngờ vi phạm luật an toàn thực phẩm, và “những lợi nhuận họ kiếm được từ phạm tội phải bị tịch thu”.

Theo thống kê của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan, tổng cộng 1247 cơ sở sản xuất thực phẩm, nhà hàng và công ty bánh kẹo đã bị ảnh hưởng bởi bê bối “dầu ăn thối” này.

Các sản phẩm của họ được xuất bán đi nhiều thị trường, trong đó có Hồng Kông và Macau.

Những ngày này tại Taipei Leechi, một cơ sở sản xuất bánh nướng tại Đài Bắc, thay vì cảnh hàng đoàn người xếp hàng chờ mua bánh dịp trung thu, rất đông người đã kéo tới đòi trả lại hàng để lấy tiền về, sau khi một nhãn hàng của họ bị phát hiện sử dụng dầu ăn nhiễm bẩn.

Cửa hàng có tuổi đời 100 năm này chỉ là một trong số hơn 1200 cơ sở sản xuất thực phẩm đang điêu đứng vì dầu ăn bẩn. Tổng giám đốc của Taipei Leechi Chang Wan Ling khẳng định: “Chúng tôi đã làm việc cực nhọc để gây dựng thương hiệu. Loại dầu ăn nhiễm bẩn chúng tôi mua được chính quyền cấp phép. Chúng tôi thực sự thấy có lỗi với khách hàng”.

Hầu hết các nhà hàng và cơ sở sản xuất bánh kẹo bị ảnh hưởng cho biết họ mua dầu ăn từ Chang Guann, một nhà cung cấp được chính quyền cấp phép. Công ty này đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, nhưng khẳng định họ không biết dầu ăn mình mua từ ông Kuo nêu trên là sản phẩm tái chế mất vệ sinh.

Thanh Tùng/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn