Chủ tịch Trung Quốc khơi dậy quá khứ hiếu chiến của Nhật

Cập nhật ngày: 05/07/2014 05:32:36

Phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đem quá khứ hai nước bị Nhật chiếm đóng ra làm minh chứng khẳng định sự đoàn kết của hai nước, chỉ một ngày sau khi Tokyo tuyên bố thay đổi mạnh mẽ chính sách quân sự.

“Trong nửa đầu thế kỷ 20, giới quân phiệt Nhật đã tiến hành những cuộc chiến dã man chống lại Trung Quốc và Hàn Quốc, nuốt chửng Hàn Quốc và chiếm đóng một nửa Trung Quốc đại lục”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại đại học quốc gia Seoul.

“Khi chiến tranh chống Nhật đang ở đỉnh điểm, người dân Trung Quốc và Hàn Quốc đã chia sẻ nỗi đau và hỗ trợ nhau bằng mồ hôi và máu”, vị Chủ tịch Trung Quốc nói tiếp.

Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra trong ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của chuyến công du Hàn Quốc, vốn được xem như một sự phản ứng trước đồng minh Triều Tiên, bởi thường các lãnh đạo của chính quyền Bắc Kinh sẽ tới Bình Nhưỡng trước Seoul, nhưng lần này thì ngược lại.

Nhưng vấn đề chính đó là vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lại không được nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập trong bài phát biểu của mình, ngoại trừ một nhận định rằng cần phải “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, và giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại.

Trong bài diễn văn của mình, ông Tập đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để miêu tả về thời kỳ cai trị của Nhật, cũng như những hành động hiếu chiến – một thông điệp được cho là sẽ thu hút sự đồng thuận tại Seoul.

Mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm, và vẫn bị phủ bóng đen bởi những tranh chấp trong giai đoạn Nhật cai trị bán đảo Triều Tiên từ 1910 – 1945.

Trung Quốc cũng đang có những tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật, và các nhà phân tích tin rằng nỗ lực tìm kiếm sự đồng quan điểm từ Hàn Quốc cho thấy một chiến lược ngoại giao lớn hơn của Bắc Kinh.

Hàn Quốc và Nhật đều là đồng minh chủ chốt trong liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực, và việc khai thác bất đồng giữa hai nước có thể giúp Trung Quốc gây khó khăn cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Obama.

Sự khơi gợi của ông Tập về quá khứ quân phiệt của Nhật được cho là sẽ tạo tiếng vang lớn, trong bối cảnh thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuần này đã tuyên bố quân đội Nhật có quyền tham chiến bảo vệ các đồng minh.

Sự dịch chuyển chính sách “phòng vệ tập thể” đánh dấu một bước chuyển lớn trong quan điểm hòa bình của Nhật, và bị cả Bắc Kinh lẫn Seoul nhìn nhận một cách đầy hoài nghi.

Trung Quốc và Hàn Quốc đã có quan hệ thương mại chặt chẽ, và Seoul muốn Bắc Kinh sử dụng vị thế của mình đối với Bình Nhưỡng trong việc hạn chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Dù vậy thì mối quan hệ liên minh quân sự 60 năm với Mỹ vẫn tiếp tục là hòn đá tảng trong chính sách quốc phòng của Hàn Quốc, và họ không muốn trở thành một con tốt trong cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á.

Thanh Tùng/ AFP

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn