Đô đốc Mỹ khuyên Philippines chủ động đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc
Cập nhật ngày: 29/06/2014 06:29:03
Vị cựu lãnh đạo hải quân Mỹ nhận định Trung Quốc trong lòng lo sợ xảy ra xung đột lớn và họ sẽ không dễ gì khuất phục các nước nhỏ hơn.
Cựu đô đốc Mỹ Dennis Blair
Philippines cần phải đứng lên đối đầu với các thách thức do Trung Quốc đặt ra trong cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông thay vì chỉ phản ứng lại một cách thụ động các hành vi của Trung Quốc.
Dennis Blair, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ kiêm cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia, cho rằng cả Philippines, Nhật Bản và Việt Nam “không thể cứ ngồi đó” và nhìn Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Nhật Asahi Shimbun, ông Blair nói: “Dĩ nhiên bạn cần nghĩ kỹ, nhưng nếu người Trung Quốc muốn chơi trò “nay đâm bị thóc, mai chọc bị gạo” thì bạn phải đáp trả và nói “Trò chơi đã bắt đầu””.
Vị chuyên gia hàng đầu về châu Á khuyên: “Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cần phải chủ động và mạnh mẽ ngang nhau trong chuyện này”.
Ông Blair tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định các yêu sách của mình một cách mạnh mẽ thông qua các tuyên bố đơn phương, nhưng sẽ không bước qua “giới hạn phía trên” của việc leo thang căng thẳng để tạo nên một xung đột lớn.
“Về phía Trung Quốc, tôi nghĩ rằng có một cái trần kiểu như thế bởi vì Trung Quốc hiểu rằng nếu một xung đột lớn xảy ra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thì tác động lên sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ là khủng khiếp”, cựu đô đốc Blair nói.
Cựu quan chức hải quân Mỹ nói tiếp: “Bên dưới giới hạn đó, người Trung Quốc đang ngồi nghĩ thế này: “Giờ mình làm gì tiếp đây? Xem nào, ta có thể lập thêm vùng ADIZ (vùng nhận dạng phòng không), ta có thể tuyên bố về một khu vực đánh bắt cá mới, v.v...”.
Blair gợi ý, các nước láng giềng nên tận dụng cái giới hạn do Trung Quốc tự đặt ra cho bản thân thậm chí cả khi nước này đang ngày càng mạnh và cho rằng mình muốn làm gì thì làm.
Cựu binh Blair, đã phục vụ trong Hải quân Mỹ 34 năm, hối thúc Philippines và các nước khác tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, tuyên bố như thế này: “Đợi một phút! Đây là những thứ quan trọng với chúng ta. Đây là lợi ích của chúng ta. Chúng tôi đoàn kết lại mạnh hơn các anh”. Blair nói: “Chúng tôi không trao những thứ này cho anh chỉ vì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của anh tăng 10% mỗi năm”.
Vị cựu đô đốc thừa nhận sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh đã khiến ông “lo lắng” trong nhiều năm khi ông biết rằng nước này cứ cho mình quyền được ép các nước khác phải nhượng bộ trong cuộc tranh chấp biển đảo hàng thập kỷ qua.
Ông Blair so sánh: Trung Quốc nhìn lại những năm tháng nó còn là một quốc gia yếu ớt và nhớ lại hồi bị Nhật Bản xâm lược vào năm 1931. Giờ đã trở thành một trung tâm sức mạnh ở châu Á, Trung Quốc lại bắt đầu lợi dụng sức mạnh của mình theo hướng có lợi cho bản thân.
Nhưng ông Blair tin rằng các đối thủ của Trung Quốc “không thể dễ dàng nhượng bộ cho một nước khác chỉ vì nước đó đang gia tăng sức mạnh”. Blair nói, “chúng ta phải vạch ra cách thức chống lại các hành vi đó””.
Philippines đã thực thi cách tiếp cận dựa trên luật lệ trong việc xử lý căng thẳng và tranh chấp leo thang. Nước này đã từ bỏ các cuộc thương thuyết trực tiếp với Trung Quốc mà dường như đem lại kết quả để quay sang nộp đơn kiện Trung Quốc trước Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
VOV