Đàm phán hạt nhân Iran: Nhen nhóm hy vọng

Cập nhật ngày: 11/11/2013 07:50:24

Những kỳ vọng về một bước ngoặt lịch sử cho vấn đề hạt nhân của Iran đã phải tạm gác lại khi cuộc đàm phán giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc cùng với Đức) kết thúc mà không đạt được kết quả như mong đợi.


Các đại biểu tham gia cuộc đàm phán về
vấn đề hạt nhân của Iran tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên, quá trình đàm phán nhanh chóng được nâng lên cấp bộ trưởng và kéo dài sang ngày thứ ba, không phải chỉ trong hai ngày (7 và 8-11) như dự định ban đầu, đã làm nhen nhóm hy vọng về một giải pháp bền vững cho vấn đề từng làm "nóng" rất nhiều chương trình nghị sự này. Dẫu vậy, lập trường giữa các bên vẫn còn rất nhiều khoảng cách cần được thu hẹp.

Hiện tại, những bất đồng giữa các bên chủ yếu tập trung vào ba điểm quan trọng là vấn đề xây dựng lò phản ứng nước nặng ở Arak - được cho là có thể sản xuất ra plutonium dùng vào mục đích quân sự; tương lai của các kho chứa uranium đã làm giàu 20% và vấn đề làm giàu hạt nhân nói chung tại Iran. Bên cạnh đó là việc hiện nay vẫn chưa rõ ban lãnh đạo mới của Iran có thực quyền tới đâu, bởi theo "luật" bất thành văn tại nước này, lãnh tụ tối cao Khamenei mới là có quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Thế nên liệu Iran có sẵn sàng chấp nhận đánh đổi cơ sở hạ tầng phát triển hạt nhân trị giá hàng tỷ USD cho việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Một điểm khác, dù nỗ lực tham gia đàm phán của các bên đều được đánh giá cao, nhưng có thể nhận thấy, không khí của cuộc gặp mặt tại Geneva trong 3 ngày qua vẫn chỉ dừng ở mức lạc quan thận trọng. Không thể phủ nhận, các bên đã có nhiều nỗ lực tạo dựng lòng tin sau nhiều năm chia rẽ để các vòng đàm phán không bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc duy trì và thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau sẽ không dễ dàng sau nhiều lần đối thoại đổ vỡ. Và Iran vẫn đang phải gánh chịu tới 4 lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu vì chương trình hạt nhân. Do vậy, bất đồng là hoàn toàn dễ hiểu khi nước cộng hòa Hồi giáo kêu gọi phương Tây gỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt, trong khi Washington yêu cầu Tehran phải tỏ ra "thành khẩn" hơn.

Vì thế, con đường hướng tới sự đồng thuận còn không ít chông gai vì hàng loạt yếu tố có thể nảy sinh theo những chiều hướng trái ngược nhau. Ở điểm này không thể không nhắc đến Israel - quốc gia đóng một vai trò có tính quyết định tới độ phức tạp của tiến trình đàm phán. Nói cách khác, Israel giống như một "quân bài phụ" rất quan trọng của Mỹ trong cuộc "đấu trí" với Iran quanh chương trình hạt nhân. Lâu nay, Israel luôn đưa ra lập luận rằng, việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, đe dọa an ninh quốc gia của Israel và sự tồn vong của nhà nước Do Thái. Những năm gần đây, Tel Avip luôn tạo ra tình huống căng thẳng thậm chí đe dọa tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy vậy không có nghĩa là cuộc đàm phán hạt nhân Iran đang đi vào ngõ cụt. Có thể thấy một số tiến bộ đạt được thông qua các cuộc thảo luận như đề xuất mang tính đột phá của Tehran, trong đó cho phép tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở hạt nhân của nước này. Ngoài ra là việc Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao Iran tại Tehran vào ngày 11-11 nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác để giải tỏa dần những căng thẳng kéo dài xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Kể từ khi Tổng thống Iran Hasan Rouhani lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua với cam kết muốn đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân với phương Tây, Iran và Nhóm P5+1 đã tiến hành hai vòng đàm phán chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Dẫu cuộc đàm phán 3 ngày ở Geneva kết thúc mà chưa đạt được một thỏa thuận đột phá nào, song các bên đã nhất trí sẽ gặp lại nhau vào ngày 20-11 tới với nhiều hy vọng lạc quan. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông.

HNM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn