Kiện Trung Quốc để thế giới biết chính nghĩa thuộc về Việt Nam
Cập nhật ngày: 21/06/2014 07:39:49
Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ, Đại học Luật New York đã dành cho PV VOV cuộc trao đổi về các giải pháp hoà bình cho Biển Đông.
Giáo sư Jerome Cohen
Dù khó buộc Trung Quốc tham gia Tòa án Công lý Quốc tế nhưng Việt Nam vẫn cần phải làm điều này.
Đây là tuyên bố của Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ, Đại học Luật New York trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV bên lề Hội nghị Hoàng Sa - Trường Sa sự thật Lịch sử diễn ra từ ngày 20-21/6.
Tiếp thu kinh nghiệm từ vụ kiện Trung Quốc của Philippines
Theo ông Cohen, Việt Nam nên theo dõi vụ Philippines kiện Trung Quốc để rút ra kinh nghiệm cho mình. “Về vấn đề kiện Trung Quốc, tôi cho rằng Việt Nam phải cất lên tiếng nói của mình trong vụ việc này để thế giới thấy được rằng Việt Nam thực sự quan tâm. Nếu Việt Nam không nói gì, thế giới có thể hiểu rằng Việt Nam không quan tâm đến vấn đề này” – ông Cohen nói.
Việc Việt Nam có nên cùng tham gia với Philippines khởi kiện Trung Quốc hay sẽ khởi kiện Trung Quốc một cách riêng rẽ phụ thuộc vào mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, xét đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay thì việc Việt Nam kiện Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý.
Ra toà, ưu thế không phải ai mạnh hơn ai mà là ai có chính nghĩa!
Liên quan đến câu hỏi của PV VOV về một trong những nội dung có thể được tham khảo là việc Việt Nam kiện Trung Quốc vì đã cố tình diễn giải sai Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), ông Cohen nói: “Vấn đề ở đây là UNCLOS không hề liên quan đến chủ quyền của một quốc gia. Đây là một vấn đề phức tạp và chủ quyền của một quốc gia cần phải được giải quyết thông qua Tòa án Công lý Quốc tế. Nếu kiện lên Tòa án này thì rất khó buộc Trung Quốc tham gia vì họ không muốn làm như vậy”.
“Tuy nhiên, nếu Việt Nam chỉ muốn kiện Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ UNCLOS mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia ký kết thì tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể đưa vụ này ra Tòa án Công lý Quốc tế. Khi đó, Trung Quốc có thể cũng sẽ lựa chọn xuất hiện trước tòa nếu Trung Quốc cho rằng mình không làm gì sai trái cả”.
Ông Cohen cũng cho rằng, có thể kiện Trung Quốc mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc (như Trung Quốc đã làm trong vụ kiện của Philippines). Điều này có thể khiến cho quá trình khởi kiện của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng như thế cũng là một cách để thế giới thấy được rằng Trung Quốc đang cố tình lảng tránh và không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề hiện nay bằng con đường hòa bình.
Theo giáo sư Cohen, khi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế thì điểm mấu chốt không phải ai mạnh hơn ai mà là công lý, chính nghĩa thuộc về ai.
Từ chối giải pháp hoà bình, Trung Quốc tự làm khó mình
“Việt Nam nên thuyết phục Trung Quốc rằng việc giải quyết vấn đề này bằng con đường hòa bình sẽ có lợi cho cả hai nước. Nếu Trung Quốc không chấp nhận như vậy thì chính Trung Quốc cũng đang làm khó mình”, ông Cohen nhận định.
“Tình hình hiện nay trên Biển Đông cũng cho thấy như vậy, bởi Trung Quốc không thể ngang nhiên khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không bị ngăn cản”, GS Cohen khẳng định và cho rằng: “Nếu Trung Quốc không chấp nhận việc đàm phán để giải quyết vấn đề và cố tình gây sức ép với Việt Nam thì Việt Nam sẽ buộc phải nhờ đến bên thứ 3 để giải quyết tranh chấp hiện nay”.
Theo Trà Xanh - Trần Khánh/VOV