Học giả Trung Quốc bác bỏ 'đường lưỡi bò'

Cập nhật ngày: 27/07/2012 09:51:01

Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu lâu năm về biển và luật biển, thẳng thắn chia sẻ quan điểm phản đối "đường lưỡi bò", và nói rằng Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông


Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, 66 tuổi, cựu nghiên cứu viên
Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc . Ảnh:
Blog.sina

Học giả Lý Lệnh Hoa (Li Linghua), nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc, là người có nhiều năm nghiên cứu và có nhiều bài phân tích về vấn đề biển và luật biển trên các báo và tạp chí lớn của Trung Quốc. Ông có nhiều bài phát biểu thẳng thắn phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề Biển Đông, bác bỏ cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”), chủ trương giải quyết những tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Học giả Lý Lệnh Hoa từng công bố bài báo "Xung quanh vấn đề 'đường lưỡi bò' và quy định về biên giới trên biển quốc tế" trên báo Tin tức Ngư nghiệp của Trung Quốc tháng 12/2005. Theo những nghiên cứu của ông, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục.

Ông Lý cho rằng vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày một nóng, Trung Quốc không nên lẩn tránh và cũng không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của "đường lưỡi bò", ông Lý viết.


Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ. Đồ họa:
Economist

Ông cũng có bài viết "Lập hàng rào rõ, để có quan hệ tốt với láng giềng" đăng trên Thời báo Hoàn cầu tháng 6/2011, cho rằng việc coi "đường lưỡi bò" do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm. Chủ trương đơn phương này không thể phát huy tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển Nam Hải.

Thay vào đó, ông đề xuất nên căn cứ vào vùng đất liền hoặc những đảo lớn và từ đó khai thác vùng biển trong phạm vi 200 hải lý theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Như vậy sẽ tránh được việc phải phân định ngay chủ quyền trên các đảo nhỏ, để biến chính sách "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc thành hiện thực.

Ông cũng nhắc lại quan điểm của mình trong cuộc hội thảo với các học giả uy tín khác của Trung Quốc, do Viện nghiên cứu Thiên Tắc tổ chức ngày 14/6 vừa qua. Ông một lần nữa khẳng định trước hội thảo rằng "đường lưỡi bò" là không hề có căn cứ, là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 và không được các quốc gia khác công nhận.

Trong khi đó, Công ước về Luật biển quy định mỗi quốc gia ven biển đều có thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý rộng lớn, nhằm tạo công bằng cho các nước cũng như thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học. Học giả Lý Lệnh Hoa khẳng định đây là cơ chế hữu hiệu để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Trung Quốc đã ký kết tham gia Công ước thì cần chấp hành quy định của Công ước, giữ chữ tín với thế giới.

Trên trang cá nhân của nghiên cứu viên đã nghỉ hưu này, ông đăng bài viết "Không nên có những quan điểm lỗi thời về 'đường 9 đoạn' ở Nam Hải", và bài "Các học giả cần thay đổi căn bản nhận thức về vấn đề Nam Hải" phản đối ý kiến của các chuyên gia của Trung Quốc trong những sách nghiên cứu về lịch sử và hiện trạng Biển Đông.

Trong mục trao đổi với những người theo dõi, để lại lời nhắn (comment) trên trang cá nhân của ông, ông cũng giải thích rõ ràng để mọi người hiểu bản chất của vấn đề. Theo ông, do hình ảnh "đường lưỡi bò" được đưa vào sách giáo khoa nên đã tạo ra suy nghĩ sâu sắc cho nhiều thế hệ người dân Trung Quốc rằng đây là "quốc giới" trong khi nó lại không được thế giới công nhận. Nếu vẫn tiếp tục khẳng định như trên thì căng thẳng tại Nam Hải không bao giờ kết thúc. Ông mong muốn học giả và người dân Trung Quốc có thể tiến cùng thời đại, tìm hiểu sự thực và thay đổi quan niệm chưa đúng đắn của mình.

VnE

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn