Mỹ ủng hộ Nhật, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc gây bất ổn
Cập nhật ngày: 31/05/2014 14:21:36
Bộ trưởng Hagel đã sử dụng ngôn từ rất mạnh mẽ để phản đối cách hành xử ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Bộ trưởng Hagel tại Diễn đàn Shangri-La (ảnh: Interpreter)
Hôm 31/5, Mỹ đã thể hiện thái độ ủng hộ động thái của Nhật Bản muốn đóng vai trò tích cực hơn nữa trong an ninh khu vực. Mỹ cũng thẳng thừng cảnh báo Trung Quốc hãy dừng ngay các hành vi gây bất ổn để hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền của nước này.
Sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ một cách bất thường, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói với diễn đàn an ninh châu Á-Thái Bình Dương rằng Mỹ cam kết tái cân bằng địa chính trị ở khu vực và “sẽ không nhìn sang nơi khác một khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế vẫn đang bị thách thức ở đây”.
“Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây bất ổn khi nước này muốn khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông,” ông Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Ông Hagel nói Mỹ không có quan điểm đối với nội dung các tuyên bố chủ quyền của các bên trong khu vực nhưng “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào sử dụng hăm dọa, cưỡng ép, và đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền của mình”.
Ủng hộ Nhật cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam, Philippines
Vào hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố tại diễn đàn trên rằng Tokyo sẽ “hỗ trợ tối đa” các nước Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ hải phận và không phận của mình.
Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, ông Abe nói Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần duyên cho cả Philippines và Việt Nam, hai nước bị Trung Quốc liên tục quấy nhiễu trên vùng Biển Đông.
Ông Abe cũng giải thích việc ông nỗ lực dỡ bỏ các điều trong Hiến pháp Nhật ngăn cản quân đội Nhật chiến đấu ở nước ngoài.
Trong khi đó, Trung Quốc thì lại cho rằng chính quyền Abe đang sử dụng tranh chấp biển đảo để làm cớ khôi phục lại lực lượng quân sự. Bà Phó Oánh (nổi tiếng cứng rắn và hay "cãi lý"), Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La vào hôm 30/5 đã phản lại quan điểm của ông Abe như sau: "Ông ta biến chuyện này thành vấn đề to, rằng Trung Quốc đang đe dọa Nhật Bản”.
Tuy nhiên các nước trong khu vực thì lại xem thông điệp của Thủ tướng Abe theo hướng tích cực do họ phải đối mặt với sự hung hãn ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
>> Xem thêm: Yếu tố Mỹ trong tranh chấp Trung-Nhật
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhiệt liệt ủng hộ bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
“Chúng tôi ủng hộ nỗ lực mới của Nhật Bản tái định hướng quan điểm phòng thủ tập thể của họ sang tích cực giúp đỡ xây dựng một trật tự khu vực hòa bình và dẻo dai”, ông Hagel nói.
Người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ cũng hoan nghênh vai trò ngày càng tích cực của Ấn Độ trong các thể chế châu Á và phát triển năng lực quốc phòng. Ông cho biết ông hy vọng sẽ thăm được Ấn Độ trong năm nay.
“Mỹ giữ lời”, còn các nước cần hợp tác để đối phó với nguy cơ chung
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương phải hợp tác trong lĩnh vực an ninh nhằm xây dựng một tương lại hòa bình và thịnh vượng. Cụ thể, ông nói “Chúng ta phải tiếp tục phát triển, chia sẻ, và duy trì năng lực quân sự tiên tiến thích ứng được với các thay đổi diễn ra nhanh chóng”.
Vẫn theo lời ông Hagel, Washington sẽ tiếp tục đề cao các quy tắc và luật pháp quốc tế và đối phó với mọi sự hung hăng thông qua việc củng cố năng lực quân sự của cả đồng minh và chính mình.
Ông Hagel liên tục nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Obama tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương và cho biết sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực. “Mỹ luôn giữ lời”, ông nói.
Bộ trưởng Hagel phát biểu: “Mọi quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, chỉ có một lựa chọn: Hoặc là đoàn kết và tái cam kết về một trật tự khu vực ổn đinh hoặc là tránh xa cam kết đó để rồi đe dọa hòa bình và an ninh cho hàng triệu người ở châu Á- Thái Bình Dương và hàng tỷ người trên thế giới”.
Theo VOV, Reuters