Nóng vấn đề tranh chấp trên Biển Đông tại hội thảo ở Lorient (Pháp)

Cập nhật ngày: 19/10/2015 06:30:51

Các chuyên gia hàng đầu của Pháp đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông - điểm nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngày 16/10, những vấn đề địa chiến lược Biển Đông được chọn làm chủ đề cho Ngày hội thảo về biển được tổ chức tại Trường Đại học Nam Bretagne (Lorient - Pháp) với sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng và chiến lược đến từ mọi miền của Pháp.

Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Pháp đã trình bày và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, một điểm nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đầy tính thuyết phục, tham luận của bà  Nguyễn Thị Bích Huệ, Tham tán công sứ, thay mặt Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, được tán đồng và đánh giá cao.

Tham luận của Việt Nam được đánh giá cao

Trong tham luận của mình, bà Nguyễn Thị Bích Huệ đề cập đến tầm quan trọng của Biển Đông; chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tham vọng bành trướng của Trung Quốc; quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các bất đồng tại Biển Đông.

Tham luận nhấn mạnh Biển Đông có vị trí địa-chính trị hết sức quan trọng trên thế giới. Đây là tuyến đường biển nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Trung Đông, châu Phi, châu Âu, chiếm 40% khối lượng vận tải biển quốc tế, đặc biệt là dầu lửa. Đây cũng là nơi có tài nguyên biển phong phú và tiềm năng lớn về dầu khí. Đây là trung tâm của một khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay...


Tham luận tại Hội thảo về biển của bà Nguyễn Thị Bích Huệ được đánh giá cao

Tuy nhiên, nơi đây đang nổi lên những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, gây nên tình trạng căng thẳng giữa các nước trong khu vực, khả năng đối đầu giữa các nước lớn, phương hại đến an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân xuất phát từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc với yêu sách phi lý về "Đường 9 đoạn" choán hầu như toàn bộ Biển Đông, dựa trên những cái cớ về "vùng nước lịch sử" hết sức mơ hồ, không có giá trị pháp lý, vi phạm đến chủ quyền lãnh hải của các nước ven bờ, trong đó có Việt Nam.

Tham luận khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với Hoàng sa, Trường Sa với bằng chứng xác thực về "sự quản lý liên tục và không có tranh chấp" của nhiều đời vua Viêt Nam tại đây. Tham luận đã điểm lại những bằng chứng gần đây về việc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Trung Quốc (mà thuộc Việt Nam) trong các tuyên bố tại các hội nghị quốc tế ở Posdam (trước 1945); Cairo (sau Chiến tranh thế giới 2); ở San Francisco (1951); ở Genève (1954, trong đó Trung Quốc là một nước ký tên)...

Tham luận lưu ý việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và một số đảo đá của Việt Nam tại Trường Sa năm 1988. Tham luận đặc biệt lưu ý các hành động ngang ngược của Trung Quốc gần đây như ngăn cản tàu thăm dò, ngư dân Việt Nam, ra lệnh cấm đánh cá, đưa dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa của Việt Nam (tháng 5/2014) và bồi đắp 7 bãi đá thành đảo nhân tạo, xây dựng nhiều công trình, đường băng, bến cảng có thể phục vụ mục đích quân sự nhằm kiểm soát tòan bộ Biển Đông...

"Yêu sách về Đường 9 đoạn, Đường lưỡi bò là nguyên nhân của sự gia tăng căng thẳng và bất hợp pháp chiểu theo Luật biển quốc tế 1982, vi pham chủ quyền của các nước ven bờ, trong đó có Việt Nam. Các hành động gấp rút bồi đắp quy mô lớn các bãi đá của Trung Quốc đã vi phạm Luật biển và Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông", bà Nguyễn Thị Bích Huệ khẳng định:

Tham luận cũng đã nêu lên quan điểm của Việt Nam: Phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông; giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế và những thỏa thuận khu vực, đặc biệt là Luật biển 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC), thúc đẩy việc tiến tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC); đa dạng hóa mối quan hệ đối tác với các nước khu vực và quốc tế, duy trì an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hội nhập và phát triển.

Pháp và EU cần thể hiện sự quan tâm lớn hơn với vấn đề Biển Đông

Tham luận cũng nêu mong muốn của Việt Nam thấy Pháp và Liên minh châu Âu (EU) thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm lớn hơn với vấn đề Biển Đông. Mong muốn ấy xuất phát từ việc: Pháp là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, có tiếng nói trên trường quốc tế; Pháp có những lợi ích về lãnh thổ ở châu Á- Thái Bình Dương.

Pháp còn là quốc gia am hiểu về Việt Nam và vấn đề Biển Đông, lưu trữ những tư liệu giá trị về chủ quyền khu vực này và có một đội ngũ các chuyên gia giỏi, am hiểu lịch sử và tình hình Biển Đông; Pháp là một trong những "trụ cột" của EU luôn đi đầu trong chính sách đối ngoại của Liên minh này. Mối quan tâm của Pháp tới vần đề Biển Đông sẽ tác động mạnh mối quan tâm của EU, một cực quan trọng của thế giới, tìm giải pháp hợp lý cho vấn đề này.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia Pháp liên quan đến lịch sử, tầm quan trọng, tính nhạy cảm và các vấn đề về tranh chấp chủ quyền và nguy cơ xung đột hiện nay ở Biển Đông. Đa số các diễn giả phê phán tham vọng và hành động của Trung Quốc, bày tỏ mối quan tâm cho một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông.

Các diễn giả cũng đề cập đến phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc bồi đắp đảo và điều tàu tuần tra biển đến sát các đảo nhân tạo...và lưu ý thái độ "nước đôi" tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc của Mỹ, mà chủ yếu xây dựng các cơ chế an ninh và hỗ trợ quân sự, vũ khí cho các đồng minh khu vực để khống chế Trung Quốc. Toan tính can dự của Nhật Bản, Nga... cũng được đề cập. Vấn đề thiếu thống nhất trong nội bộ ASEAN dưới tác động của Trung Quốc và việc nước này trì hoãn đi tới COC cũng được nhắc tới. Bên cạnh đó là vấn đề chạy đua vũ khí (đặc biệt cho hải quân) của tất cả các nước khu vực trước sự phát triển đột biến của hải quân Trung Quốc.

Ông Philippe Folliot, Thư ký Ủy ban Quốc phòng Pháp nêu quan điểm: “Trung Quốc đã ra sức để hải quân trở thành phương tiện phục vụ chính sách và tham vọng của họ. Họ muốn đưa khả năng hải quân từ ven bờ vươn ra biển xa, có thể hoạt động dài ngày. Và, để đối phó với nguy cơ đó, người ta chứng kiến ở toàn khu vực diễn ra một cuộc hiện đại hóa vũ khí gấp rút".  

Nước Pháp có nhiều lợi ích không thể sao nhãng tại Biển Đông

Liên quan đến quan điểm và chính sách của Pháp với khu vực Biển Đông, tham luận của tướng Marin Gautier, Giám đốc hợp tác an ninh và quốc phòng Bộ Ngoại giao Pháp; chuyên gia chính trị Benoit de Tréglodé thuộc viện nghiên cứu chiến lược IRSEM... nhấn mạnh: Pháp là nước có nhiều lợi ích ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Từ khi Anh rút khỏi Hồng Công, Pháp là nước duy nhất ở châu Âu duy trì sự hiện diện quân sự thường trực ở khu vực với khoảng 50 cuộc tuần tra hải quân/năm. Châu Á - Thái Bình Dương đã có mặt từ lâu trong chính sách đối ngoại của Pháp. Những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông về cơ bản đi ngược lại với những lợi ích của Pháp.

Theo các chuyên gia Pháp, gần đây, do bị thu hút nhiều bởi các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, châu Phi, Trung Đông (mà mới đây là Syria), Pháp có phần sao lãng khu vực này. Đây là thời điểm cần điều chỉnh lại thái độ của Pháp và thực hiện chiến lược khu vực theo 3 trục chính: Thứ nhất là tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược (như đã làm với Indonesia năm 2011, Singapore 10/2012, Việt Nam 9/2013...).

Thứ hai là thực hiện chính sách gây ảnh hưởng, dựa trên các tổ chức khu vực và quốc tế. Về mặt này, Pháp có thế mạnh là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là nước trụ cột của EU; Pháp cũng được coi là có khả năng làm trung gian hòa giải, giải quyết các cuộc khủng hoảng.

Thứ ba là việc Pháp vẫn là một thế lực ở châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, chỉ có 2 nước trên thế giới thực sự làm chủ kỹ thuật tác chiến tầu sân bay là Mỹ và Pháp).

Theo Thái Dương/VOV 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn