Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh:
“Việt Nam tham gia giữ gìn hòa bình LHQ để hàn gắn chiến tranh”

Cập nhật ngày: 26/04/2014 09:29:06

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Việt Nam đã trải qua chiến tranh nên chỉ tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc để hàn gắn những cuộc chiến tranh khác."


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại hội thảo (Ảnh N.H)

Ngày 25/4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng nhiều chuyên gia, học giả trong lĩnh vực luật pháp, ngoại giao và quốc phòng.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Việt Nam sẽ không tham gia hoạt động mang tính xung đột mà mang tính hòa bình, nhân đạo để giữ gìn hòa bình của LHQ. Đây là chủ trương nhất quán và lâu dài của chúng ta.”

“Việt Nam đã trải qua chiến tranh nên chỉ tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ để hàn gắn những cuộc chiến tranh khác. Việc tham gia các lực lượng hòa bình LHQ là một vấn đề quan trọng và có ý nghĩa chính trị cao”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam phải chọn những lĩnh vực mà mình có thế mạnh và phù hợp với khả năng để tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ. Điều quan trọng là Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho việc tham gia này.

Việt Nam đã sẵn sàng tham gia giữ gìn hòa bình LHQ

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, “Việc tham gia vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ là một quyết định quan trọng của Việt Nam. Đây là sự tiếp nối của chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ hòa bình ủng hộ các mục tiêu cao cả của LHQ, khẳng định cam kết, cũng như khả năng của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”

Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho hay Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình để chuẩn bị cho các sứ mệnh quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình theo nguyên tắc đầu tiên là chủ động, chủ động đưa lực lượng đi và chủ động chọn được phái bộ, thời gian và nhiệm vụ như thế nào. Thứ hai là mang tính chất hòa bình và nhân đạo, ví dụ như cử lực lượng công binh, quân y, quan sát viên đi làm nhiệm vụ. Nguyên tắc thứ 3 là độc lập, trong đó nguyên tắc chủ động và độc lập là quan trọng nhất.

“Cũng có nhiều ý kiến rằng cho rằng chúng ta có thể chia sẻ hoặc phối hợp với một phái bộ của quốc gia nào đó để vừa học kinh nghiệm và họ có thể giúp chúng ta nhưng chúng tôi cho rằng chúng ta nên độc lập trong vấn đề này. Do đó chúng tôi chọn tham gia ở cấp đại đội và quan sát viên độc lập,” Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, mặc dù Việt Nam đã tạo đủ các điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương, đường lối lãnh đạo song vẫn còn vướng mắc ở một số thủ tục pháp lý cần sớm được giải quyết để Việt Nam có thể thực hiện sứ mệnh quốc tế giữ gìn hòa bình của mình.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho hay Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan đã được giao dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cũng như xây dựng các văn bản pháp lý quy về chính sách, định tổ chức, và xây dựng lực lượng khác.

“Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới nên chúng ta còn thiếu khung pháp lý điều chỉnh. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được quốc hội thông qua năm 2013 đã có một số sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của Việt Nam tuy nhiên hiện chưa có một văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện và cụ thể về việc tham gia này,” Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.

Cũng tại cuộc hội thảo, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết, việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ đã được Việt Nam quyết định đã lâu, tuy nhiên đến nay vẫn còn vướng mắc thủ tục pháp lý. “Tôi cảm thấy sốt ruột vì tiến độ chậm quá, nếu không nhanh thì sẽ có thể ảnh hưởng đến “lòng tin chiến lược” mà chúng ta đã khẳng định trước quốc tế.”

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã ghi nhận việc hội thảo đã đạt được nhận thức chung về một số nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị quyết, khẳng định các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban soạn thảo Nghị quyết tiếp thu, chỉnh sửa và thúc đẩy để Dự thảo Nghị quyết sớm được thông qua, củng cố thêm khung pháp lý cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nam Hằng/Dân trí

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn