Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ sức khỏe dịp Tết

Cập nhật ngày: 09/02/2018 09:30:13

ĐTO - Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp.

PV: Xin bác sĩ cho biết những vấn đề về sức khỏe thường gặp trong những ngày Tết?


Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga

Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga (N.T.K.N.): Dịp Tết, nhiều người thường thả lỏng cơ thể, ăn uống thoải mái hay ngủ nghỉ không điều độ kèm với rượu, bia... Chính những yếu tố này có thể sẽ khiến sức khỏe chúng ta xuống dốc trầm trọng. Thức ăn ngày Tết rất đa dạng và có đặc điểm chung là giàu năng lượng. Những món ăn truyền thống trong những ngày Tết thường là bánh chưng, bánh tét, dưa món, thịt, giò chả, đồ khô, các loại mứt, bánh, kẹo và trái cây, nên luôn hấp dẫn người có “tâm hồn ăn uống”.

Rắc rối về sức khỏe trong ngày Tết có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, táo bón, tăng cân nhanh không mong muốn, sụt cân, tăng thêm tình trạng bệnh lý sẵn có. Ví dụ như đang mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu... thì sau mấy ngày Tết tình trạng sẽ nặng thêm do không biết cách ăn uống. Một số người bị sụt cân do món ăn ngày Tết không hợp khẩu vị, do ăn uống thất thường. Một số người lại tăng cân nhanh do những cuộc nhậu, gặp gỡ, ăn các món giàu năng lượng, ăn chưa tiêu hóa hết đã ăn tiếp.

PV: Các loại bánh, mứt, nước ngọt và những thực phẩm để nguội như: khô hay giò, chả, lạp xưởng... thường dùng phổ biến dịp Tết. Vậy khi dùng nhiều những loại này có gây hại cho sức khỏe không?

Bác sĩ N.T.K.N.: Các loại thịt, giò, chả luôn có nhiều chất béo, nhiều đạm; thịt chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho tim mạch. Trứng chứa nhiều cholesterol, không tốt cho người có bệnh lý gan mật và làm tăng LDL - cholesterol máu, cần hạn chế ăn. Giò, chả cũng chứa nhiều acid béo no bão hòa nên người có bệnh lý chuyển hóa mỡ, tăng huyết áp... cũng phải hạn chế ăn.

Bánh chưng, bánh tét đều khá mặn, ngay cả khi không ăn kèm với các loại dưa món. Còn các loại dưa món ngâm muối và nước mắm luôn có lượng muối cao. Vì vậy những người thừa cân, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý dạ dày... nên dùng hạn chế.

Các loại thực phẩm khô như lạp xưởng, xúc xích... thường quá mặn và quá béo nên không tốt cho những người cần kiêng muối, kiêng mỡ. Chưa kể, các loại thực phẩm khô nếu không được đóng gói, bảo quản tốt còn dễ bám bụi, là môi trường rất tốt cho vi trùng và nấm mốc phát triển. Nếu ăn phải loại thực phẩm khô không đảm bảo vệ sinh còn có nguy cơ ngộ độc và dị ứng khá cao.

Mứt là món ăn truyền thống mỗi dịp Tết, nhưng thành phần dinh dưỡng chủ yếu của mứt lại là chất đường, tinh bột và một ít chất xơ. Để làm đẹp cho mỗi món mứt, nhà sản xuất đã sử dụng nhiều hương liệu thực phẩm, chất phụ gia. Ngoài ra, không đảm bảo chắc chắn là loại mứt nào cũng được sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nước có ga, nước hương trái cây chủ yếu làm từ chất tạo ngọt và hương liệu công nghiệp, không cung cấp được những dưỡng chất cần thiết mà còn khiến cơ thể có cảm giác đầy bụng. Nhóm thức uống này chỉ nên dùng chút ít trong bữa tiệc. Không nên cho trẻ dùng nhiều vì trẻ sẽ giảm ăn bữa chính, đối với trẻ béo phì sẽ càng làm trẻ tăng cân nhiều hơn.

Với bia, rượu, đều có chứa một lượng cồn khá cao sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày, thần kinh và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

PV: Vậy bác sĩ có những lưu ý gì với người dân trong việc ăn uống nhằm bảo vệ sức khỏe trong những ngày Tết?

Bác sĩ N.T.K.N.: Việc ăn uống khoa học là cách tốt nhất đảm bảo cho chúng ta có sức khỏe dồi dào và hạnh phúc trong năm mới. Ta cần hạn chế rượu, bia và nước uống có ga, thay vào đó là nước khoáng, nước trái cây hoặc sữa; tăng sử dụng trà xanh, trà túi lọc vì các loại trà giúp tăng sức đề kháng, nhuận gan và thanh lọc cơ thể; hạn chế ăn nguội, nên ăn đồ tươi, nóng hàng ngày bằng việc nấu cơm, chế biến món rau xào hay những bát canh nóng hổi. Bên cạnh, mọi người nên ăn uống điều độ và khoa học, kết hợp nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin.

Chế độ ăn hợp lý cần có sự cân bằng cacbohidrat, protein, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Do đó, bạn lên kế hoạch, chọn thực đơn cho bữa ăn chính của mình và gia đình trong cả tuần nghỉ Tết và sau đó. Đối với trẻ, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi ngon. Không cho trẻ ăn bánh mứt, kẹo, uống nước ngọt trong vòng 2 giờ trước bữa ăn chính. Bổ sung nhiều nước hơn ngày thường để bù lại lượng nước bị mất trong quá trình di chuyển, chơi đùa nhiều. Mỗi ngày nên có ít nhất một bữa cơm với đủ món mặn, canh, xào như ngày thường. Những bữa ăn phụ của trẻ có thể chọn một hay nhiều món phối hợp có sẵn, miễn đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Khi đi chơi xa không nên cho trẻ ăn uống ở quán lề đường kém vệ sinh vì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, cần giữ đúng giờ ngủ, nghỉ ngơi để trẻ có những ngày Tết thật vui.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Lê Thanh (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn