Thực phẩm an toàn cho mùa Tết

Cập nhật ngày: 26/01/2018 14:33:00

ĐTO - Tết  là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu bia nước giải khát... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường Tết, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cũng là dịp để những cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chính tung ra thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Không có thực phẩm nào được xem là có giá trị dinh dưỡng nếu không đảm bảo vệ sinh. Theo ngành chức năng, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Đối với thịt heo, khi mua, người tiêu dùng nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc.

Với các loại cá, tốt nhất là nên chọn cá vẫn còn bơi trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn cá vừa mới chết nếu đặt lên lòng bàn tay, thân cá co cứng, thịt rắn chắc không thõng xuống; mang cá có màu đỏ tươi dán chặt xuống hoa khế, miệng cá ngậm cứng, mắt cá trong suốt.

Nội tạng động vật, nên lựa chọn loại có chứng nhận kiểm dịch thú y. Ngoài ra, màu sắc của nội tạng phải tự nhiên, không có đốm xuất huyết, không có mùi lạ, không có ruồi, côn trùng đậu. Khi sờ bằng tay thấy chắc, có độ đàn hồi tốt, không chảy nước, không có nhớt và các mạch máu trên nội tạng rõ, màu sắc tươi.

Đối với rau, củ quả, hình dáng bên ngoài còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống (cảnh giác loại quá “mập”); có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh hoặc có màu sắc bất thường. Khi ta sờ, nắm cảm giác nặng tay, dòn chắc; chú ý cảm giác “nhẹ bỗng” của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Rất nhiều loại rau quả còn dính hóa chất BVTV trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả... có các vết lấm tấm hoặc vết trắng. Nếu lượng hóa chất BVTV tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất.

Với quả, có một số loại được ngâm tẩm chất bảo quản độc hại, nhìn ngoài vẫn có màu tươi đẹp, nhưng núm cuống hoặc thâm nhũn, hoặc còn dính hóa chất BVTV, khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả.

Thực phẩm bao gói sẵn (dạng gói, dạng hộp...), sản phẩm không được rách, nát, không bị biến dạng, đặc biệt phải có đủ nhãn mác với các nội dung như: tên thực phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của thực phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa.

Bảo quản thực phẩm

Người chế biến cần lưu ý 5 bước quan trọng để đảm bảo thức ăn an toàn:

Bước 1, giữ vệ sinh sạch sẽ đối với người trực tiếp chế biến và đồ dùng chế biến thức ăn; giữ gìn và bảo quản thức ăn tránh khỏi sự tiếp xúc của côn trùng và các con vật khác.

Bước 2, bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín.

Bước 3, nấu kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng và đồ hải sản.

Bước 4, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, thường là dưới 5oC; đảm bảo thức ăn chín thật nóng (hơn 60oC) trước ăn.

Bước 5, sử dụng nước sạch trong chế biến, nhất là các thực phẩm tươi sống, nên rửa thật kỹ rau quả, đặc biệt là các loại rau, quả ăn sống.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn