Các dấu hiệu nhận biết trẻ giảm thính lực, chức năng nhìn

Cập nhật ngày: 16/03/2015 13:35:55

Nghe kém, giảm thính lực là trẻ có khó khăn về nghe (nghĩa là bị nghe kém hoặc điếc), khiến trẻ không nghe được ở khoảng cách và cường độ âm thanh bình thường.

Các dấu hiệu phát hiện sớm trẻ nghe kém: trẻ không giật mình, không quay đầu về phía tiếng động; trẻ học nói muộn hoặc dững dưng trước mọi âm thanh; trẻ ngơ ngác khi nghe nói chuyện, nói ngọng; nhìn miệng để đoán từ.

Nếu nghi ngờ trẻ nghe kém hãy kiểm tra khả năng nghe của trẻ theo một số cách sau:

Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi: đặt trẻ nằm ngửa trên giường, người thử đứng ở phía đầu trẻ cách 0,5m, vỗ tay hay lắc đồ vật phát ra tiếng động xem trẻ có quay đầu về hướng đó không (lặp lại 3 lần).

Trẻ trên 3 tuổi: để trẻ ngồi quay lưng lại người thử lần lượt bịt từng bên tai và hướng về bên đối diện nói từng từ đơn, cường độ nói bình thường để trẻ nhắc lại. Nếu trẻ nhắc lại 4-5 lần đều đúng có thể coi sức nghe bình thường và làm lại bên tai đối diện. Nếu phát hiện trẻ nói sai hoặc không nhắc lại được các âm thanh lời nói cần cho trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị.

Nguyên tắc chung khi giúp trẻ nghe kém là phải tiếp tục giao tiếp với trẻ như bình thường ngay cả khi bạn biết trẻ nghe kém hay điếc hoàn toàn.

Trẻ nghe kém tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà có nhiều hình thức dạy và giao tiếp khác nhau. Nếu trẻ nghe kém (điếc nhẹ) cần sắp xếp cho trẻ ngồi vị trí thuận lợi trong lớp như ngồi đầu lớp học và giáo viên có thể nói to và rõ khi giao tiếp với trẻ để trẻ có thể quan sát miệng rõ hơn, vị trí người nói đến trẻ càng gần càng tốt. Ở nhà hay ở lớp học hòa nhập, người thân, giáo viên cần nói chuyện với trẻ kết hợp với ra hiệu, dùng nét mặt...

Đối với trẻ nghe kém có đeo máy trợ thính vẫn có thể học nói đựơc. Tuy nhiên, các hình thức giao tiếp không lời vẫn quan trọng hơn, cần dạy trẻ các hình thưc giao tiếp không lời như: ánh mắt, nét mặt, tư thế, hình miệng...

Nguyên nhân gây giảm chức năng nhìn ở trẻ

Theo TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, khuyết tật hay giảm chức năng nhìn là tình trạng một người do ảnh hưởng, hậu quả của các bệnh hoặc biến chứng về mắt bẩm sinh hay mắc phải mà không nhìn rõ và nhận dạng được sự vật một cách bình thường như những người xung quanh.

Khuyết tật giảm chức năng nhìn có nhiều mức độ khác nhau: một số người chỉ nhìn được một chút, mốt số nhận biết được ban ngày hay đêm nhưng không nhìn thấy gì, một số nhìn thấy được vật to không thấy vật nhỏ và một số người nhìn thấy vật ở gần không thấy vật ở xa hay ngược lại...

Ở trẻ em có nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm chức năng nhìn trong các giai đoạn trước trong và sau khi sanh. Trước sanh, thường do mẹ nhiễm siêu vi trùng (Rubella) khi mang thai và mẹ thiếu dinh dưỡng. Trong khi sanh thường, trẻ bị ngạt hay chấn thương trong khi sanh. Sau khi sanh trẻ thường bị thiếu dinh dưỡng, nhất là vitamin A, nhiễm vi trùng siêu vi trùng, bệnh lý võng mạc, sởi biến chứng gây mù mắt khuyết tật mắt, lác mắt. Ngoài ra, trẻ còn bị lây nhiễm từ mẹ ở một số trường hợp mẹ mắc bệnh lậu hay nhiễm Chlamydia từ đường sinh dục....

Ngoài các nguyên nhân trên, còn có thể do tai nạn gây tổn thương trực tiếp ở mắt như: vật nhọn, acid, mảnh đạn... Để hạn chế những nguyên nhân gây bỏng mắt cho trẻ, người mẹ khi mang thai cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là vitamin A, điều trị triệt để các trường hợp viêm nhiễm ở đường sinh dục nếu có, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ sau khi sanh cũng như cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, nhất là vitamin A.

Những dấu hiệu nhận biết trẻ có khuyết tật hay giảm chức năng nhìn:

- Mắt, mi mắt đỏ có mủ hoặc thường xuyên chảy nước mắt.

- Mắt trông mờ đục hoặc nhăn nheo hoặc có tổn thương đau.

- Một hoặc cả hai bên đồng tử có màu xám hoặc trắng.

- Trẻ 3 tháng tuổi không nhìn theo đồ chơi hoặc đồ vật khi đưa qua mặt trẻ hay trẻ không đưa tay với lấy đồ chơi ở trước mặt trẻ, trừ khi đồ chơi phát ra tiếng động hoặc chạm vào người trẻ.

- Mắt lệch hai mắt không di động cùng hướng với nhau.

- Mắt lác.

- Trẻ chậm sử dụng tay và vận động và đi lại so với trẻ khác, trẻ thường va đụng vào đồ vật hoặc rất vụng về.

- Trẻ không thích thú với tranh ảnh, đồ chơi có nhiều màu sắc khi để cạnh mặt trẻ.

- Trẻ nhìn khó khăn khi trời tối (quáng gà).

- Trẻ không đọc được chữ trên bảng hoặc các chữ nhỏ trong sách; thường bị mệt mỏi và đau đầu khi đọc sách.

- Trẻ có thể bị mù hoặc giảm chức năng nhìn phối hợp với các dạng khuyết tật khác như bại não, chậm phát triển trí tuệ...

Cẩm Lụa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn