Chủ động tiêm ngừa là giải pháp tốt nhất phòng bệnh sởi
Cập nhật ngày: 01/03/2019 09:54:33
Trong năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận 96 trường hợp sốt phát ban nghi bệnh sởi. Sau khi xét nghiệm xác nhận có 37 trường hợp bệnh sởi.
Trong 5 tuần đầu năm 2019 ở Đồng Tháp ghi nhận 45 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Xét nghiệm chưa đầy đủ đã xác nhận có 6 trường hợp bệnh sởi. Bệnh sởi do virus gây ra, bệnh lây rất mạnh qua các giọt li ti từ đường thở. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa đông – xuân. Bệnh này rất hay lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện..., cũng có thể lây gián tiếp qua vật dụng, đồ dùng chung với người bệnh. Virus sởi dễ bị tiêu diệt sau 2 giờ ở môi trường bên ngoài.
Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiêm ngừa vắc-xin sởi cho trẻ
BS.CKII Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp chia sẻ, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên và lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Trẻ em, người lớn chưa bị bệnh hoặc chưa được tiêm phòng bệnh sởi khi tiếp xúc với nguồn bệnh hầu hết đều mắc bệnh.
Triệu chứng ban đầu nghi mắc bệnh thường là sốt, ho, mắt sưng đỏ, sổ mũi, mắt mũi tèm nhem, mệt mỏi. 3-4 ngày tiếp theo, bệnh nhân sẽ có phát ban đỏ đầu tiên ở mặt, sau đó lan nhanh xuống ngực, lưng và tay chân, ban lặng dần theo trình tự như khi phát ban. Bệnh sởi hay bị biến chứng viêm phế quản - phổi, tiêu chảy, ăn uống kém, suy kiệt, chậm lại sức dễ suy dinh dưỡng.
Để phòng ngừa bệnh sởi, mọi người cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi để tiêm vắc-xin sởi đơn giá và khi trẻ được từ 18 - 24 tháng tuổi tiêm thêm mũi vắc xin sởi - Rubella miễn phí ở trạm y tế xã, phường bất kỳ nào cũng được. Hoặc vì bất kỳ lý do nào đó mà chưa được tiêm ngừa bệnh sởi và Rubella thì đều có thể tiêm ngừa bệnh sởi, bệnh quay bị và bệnh Rubella khi đủ 12 tháng tuổi trở lên ở các điểm tiêm ngừa dịch vụ.
Khi phát hiện người thân, trẻ có các biểu hiện sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm, phòng ngừa biến chứng. Bệnh sởi rất dễ lây, phải được cách ly riêng, không nên tiếp xúc với những người bệnh khác vì rất dễ bị lây bệnh lẫn nhau (lây chéo), làm bệnh nặng hơn, dễ tử vong hơn.
Khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; quần áo, vật dụng sinh hoạt cần được ngâm, giặt với xà phòng. Khi bị bệnh sởi cần cách ly ít nhất 4 ngày kể từ khi bệnh đã phát ban.
Thanh Hùng