Đề phòng một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch

Cập nhật ngày: 19/10/2018 10:26:41

ĐTO - Theo ngành y tế tỉnh, 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi tại địa phương.

Các bệnh có vắc-xin tiếp tục được khống chế hiệu quả; giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) giảm và được kiểm soát. Các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, nhiều bệnh mới nổi, tái nổi có nguy cơ xuất hiện như: Ebola, MERS-CoV, Cúm A H5N1, H7N9, Zika...; cúm AH1N1 có nguy cơ gây dịch cao.

Tại một số địa phương, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể  có sự quan tâm, phối hợp thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng chưa phát huy hết vai trò, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Công tác thực hiện vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa cao, chưa có thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh TCM, bệnh đường tiêu hóa...; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ gia cầm và sử dụng các chế phẩm từ gia cầm chưa đảm bảo vệ sinh. Hoạt động diệt lăng quăng của cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao...

Ngành y tế tiếp tục phối hợp tăng cường công tác giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch, triển khai tiêm vắc-xin Combe-Five thay thế Quinvaxem, tiêm vắc-xin IPV từ tháng 10/2018, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh lây truyền qua muỗi tại các nơi nguy cơ... Theo dự báo, 3 tháng cuối năm, tình hình mắc SXH D có thể tăng cao và có nguy cơ gây dịch tại một số địa phương do đang vào cao điểm của mùa mưa, nguy cơ tăng ca nặng và tử vong; TCM có xu hướng duy trì ổn định.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn